Đoàn công tác tiếp cận Đảo Song Tử Tây. Nhìn từ xa, đảo như một khối xanh thanh bình mọc lên giữa đại dương |
Đẹp và hiện đại nhất Trường Sa
Tối qua, chương trình phát thanh nội bộ trên tàu KN 390 cho biết: Song Tử Tây là một trong những hòn đảo đẹp và hiện đại nhất ở Quần đảo Trường Sa. Trời vừa sáng, chúng tôi đã lên boong tàu nhìn về đảo. Phó Bí thư Thành ủy Huế - Trần Hùng Nam đã kịp chụp một số hình ảnh đặc sắc của bình minh trên Trường Sa. Trong ánh dương vừa ló rạng, nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây như một khối xanh thanh bình mọc lên giữa đại dương, màu xanh của cỏ cây hòa với màu xanh của mênh mông biển rộng.
Hôm nay, Đoàn công tác hành quân vào đảo sớm. Khi chúng tôi đến, dân quân và các chiến sĩ đã vui mừng đón, giúp mọi người rời tàu. Đoàn người đi nhanh theo con đường chính để vào trung tâm đảo. Một vài chiến sĩ, người dân đi xe đạp ngược chiều vui vẻ chào như đã thân quen lâu lắm.
Chúng tôi gặp ngay Phó Chủ tịch UBND xã Cao Văn Giáp đang chuẩn bị đón khách quý đến thăm hôm nay, ánh mắt rạng rỡ vui mừng. “Lâu lắm mới có đoàn đông như thế này từ đất liền đến thăm đảo” - anh Giáp nói. Anh đã có thâm niên công tác ở đây trên 20 năm, nhưng vợ con đang ở đất liền. Anh cho biết: Đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử, là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây đã có trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, cấp dầu, nước ngọt cho ngư dân với giá bằng trên đất liền. Cách đây 15 năm, hệ thống năng lượng gió và mặt trời đã được đưa vào sử dụng...
Rời tàu tiến vào trung tâm đảo |
Trên đảo Song Tử Tây có nhiều điểm riêng có so với các đảo khác: Trạm khí tượng thủy văn Song Tử Tây là một trong 2 trạm khí tượng thủy văn trên Quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày. Trên đảo còn có trụ sở UBND xã, trường học, khu làng chài, bệnh xá, bãi tập đa năng...
Âu tàu ở đảo Song Tử Tây rộng hàng chục ngàn m2 có sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân cả nước. Đời sống trên đảo, nói đùa như bà con, chiến sĩ ở đây: “Cái gì cũng có”, có sân vận động rộng, hệ thống âm thanh để sinh hoạt văn nghệ, có trạm thu phát sóng FM, và tín hiệu vệ tinh để xem tivi, nghe đài, đọc sách, báo...
Những cột mốc thiêng liêng
Trong nắng mai, Đoàn công tác tiến hành dâng hương nơi tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tượng Ngài được làm bằng đá khối, cao 11m, sừng sững hướng ra Biển Đông. Trong khói hương, những người con dân Việt hồi tưởng đến vị tướng 3 lần đánh thắng quân Nguyên, Mông, và nghe vọng lời dặn của Đức Thánh Trần qua “Hịch tướng sĩ” lừng danh.
Thắp hương trước Bia ghi danh các chiến sĩ hy sinh ở Đảo Gạc Ma được đặt tại Chùa Song Tử Tây |
Tiếp đó, Đoàn đến dâng hương chùa Song Tử Tây, ngôi chùa lớn nhất so với các chùa còn lại trên Quần đảo Trường Sa. Ngôi chùa này có không gian và diện tích rộng, nằm ngay vị trí đẹp hướng ra biển, phía sau là ngọn hải đăng Song Tử Tây cao 38m so với mực nước biển. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có bia ghi Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma (ngày 14/3/1988). Khi dâng hương nơi đây, nhiều người đã không kìm nén được nỗi xúc động nghẹn ngào.
Thầy Thích Nhật Anh, trụ trì chùa Song Tử Tây cho biết: Trên Quần đảo Trường Sa hiện có 9 chùa tọa lạc trên các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Phan Vinh. Trong 9 chùa, chùa Song Tử Tây lớn nhất. Tiếng chuông chùa trong mỗi sáng, mỗi chiều, phổ độ chúng sinh, vừa là thông điệp cho một Việt Nam có bờ cõi hàng ngàn năm ở Biển Đông, luôn yêu chuộng hòa bình và phát triển. Cùng Đoàn ra thăm đảo, có Đại đức Thích Nhuận Minh từ chùa Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cả hai thầy nhanh chóng có những trao đổi chân tình về Phật sự.
Đoàn công tác dâng hương nơi tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn |
Vừa rời chùa, chúng tôi gặp ngay một tấm bia quý: Bia mốc 3D Quốc gia G3D0008, do Cục Đo đạc và bản đồ Việt Nam, Bộ Khoa hoc Công nghệ dựng tháng 5/2015. Bên trong trạm khí tượng, hiện vẫn còn Bia chủ quyền Quần đảo Trường Sa được xây dựng từ năm 1956. Bia này cùng bia chủ quyền trên đảo Nam Yết (xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa) đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bia là bằng chứng lịch sử đanh thép khẳng định chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông.
Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, đảo Song Tử Tây được đội quân do Thiếu úy Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy đánh chiếm, cắm cờ chủ quyền trước tiên vào ngày 14/4/1975. Việc Song Tử Tây được giải phóng khiến quân địch ở quần đảo Trường Sa hoang mang, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta giải phóng nhanh các đảo còn lại... 49 năm sau giải phóng, đảo Song Tử Tây giờ đây đã trở thành một trong những hòn đảo đẹp và hiện đại ở Quần đảo Trường Sa.
Trong suốt 49 năm qua, xã đảo Song Tử Tây được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, đặc biệt là danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2019)...
Cây trên đảo và tiếng trẻ thơ cười
Đoàn công tác tham gia trồng cây xanh trên đảo |
Đặc sản của đảo là cây sâm đất, quân dân ta thường dùng để làm nước uống. Nhưng cây phong ba mới là cây biểu tượng của đảo. Phong ba là loài cây có sức sống mãnh liệt, chịu đựng được thời tiết tàn khốc giữa biển khơi. Trên đảo có một cây phong ba đại thụ có từ lâu đời, mọc tự nhiên được công nhận là “cây di sản Việt Nam”. Rất tiếc trong cơn bão lớn của năm 2022, cây đại thụ đã không còn. Nhưng thế hệ con cháu còn rất nhiều, mọc hằng hà sa số trên đảo. Nhiều cây có thân lớn đến một vòng tay ôm. Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây còn có ý nghĩa như “cột mốc xanh” góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Góp phần thêm xanh là những vườn cây, là những vườn rau. Người dân và chiến sĩ chắt chiu trồng được nhiều cây xanh, rau các loại, tươi tốt bốn mùa. Đi ngang những vườn rau của lính biển, thấy đủ loại rau muống, mồng tơi, rau bông ngọt… đang xanh tốt mà lòng ai cũng vui. Chúng tôi ghé vào một xóm trên đảo. Ông Nguyễn Nam Tiến, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, thay mặt đoàn công tác Thừa Thiên Huế tặng quà cho cư dân trên đảo.
Thế hệ trẻ ở Đảo Song Tử Tây dưới bóng những cây phong ba xanh mát |
Hai vợ chồng Nguyễn Tấn Luận và Trần Thị Châu Úc rất vui khi có khách đến. Cả hai là cư dân mới nhất, vừa gia nhập đảo hồi tháng 6/2023. Nhìn cháu trai đầu đang đá bóng với lũ trẻ trong xóm, biết là gia đình đã hòa nhập cuộc sống nơi đây rồi. “Ở đây bình yên, chỉ lo làm ăn thôi. Cũng nhớ đất liền nhưng nhớ quá thì về thăm cũng không quá khó” – Luận nói. Luận cũng trồng một đám rau cải và các loại khác. Màu xanh cỏ cây, hoa lá hòa quyện với màu xanh của biển đã tạo nên màu xanh thanh bình trên đảo Song Tử.
Sáng đoàn chúng tôi đến là Chủ nhật, các cháu nhỏ không đến trường, có thể trông thấy chúng chạy chơi khắp nơi ở chùa, ở tượng đài Hưng Đạo Đại Vương, ở sân UBND xã, và cả dưới bóng những cây phong ba mát rượi…
(còn nữa)