Nhà sử học Anh John Callow. Ảnh: Hải Vân/TTXVN |
Nhà sử học người Anh John Callow đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Anh về ý nghĩa của chiến thắng này.
Nhà sử học John Callow cho biết chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi một mạng lưới ban đầu là các nhóm du kích không chính quy thành một quân đội tiêu biểu có khả năng đánh bại các lực lượng phương Tây dày dạn kinh nghiệm, được trang bị kỹ càng và được huấn luyện bài bản trong một trận chiến được bày binh bố trận.
Ông John Callow chỉ ra rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự kết hợp sáng tạo giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ có tầm nhìn xa, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà lý luận quân sự, giúp tôi luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng một đội quân cách mạng có khả năng giải phóng đất nước, bảo vệ độc lập, thoát khỏi ách thống trị của các thế lực chính quyền và kinh tế nước ngoài.
Ông nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rất rõ chiến tranh là phương sách cuối cùng. Tuy nhiên, nếu không đấu tranh, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sẽ không bao giờ nhượng bộ. Do đó phải có cách tiếp cận mới về đấu tranh vũ trang, theo đó khi tiến hành chiến tranh cách mạng” thì “phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng không đánh”.
Ông John Callow cho rằng chiến thắng Điện Biên Phủ và sau này là việc thống nhất đất nước là kết quả của quá trình hoạch định cẩn thận, kiên định về nguyên tắc và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Marx vào điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa Marx, bắt nguồn từ bối cảnh công nghiệp phương Tây, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm phong phú hơn rất nhiều, với việc áp dụng cốt lõi của chủ nghĩa Marx vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc Việt Nam và chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp, vốn bị chi phối bởi chế độ địa chủ và chủ nghĩa đế quốc và bóc lột thuộc địa, thành một nhà nước hiện đại, nơi địa vị của những người nông dân vừa và nhỏ được nâng cao và thành quả của lao động sản xuất được chia sẻ vì lợi ích của tất cả mọi người, đảm bảo quyền về nhà ở, y tế, việc làm và phúc lợi xã hội.
Kết quả là Đảng trở thành nơi mở rộng nhận thức của người dân, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của họ, đồng thời giữ vai trò lãnh đạo trung ương, đảm bảo ý chí chính trị tuyệt đối, có khả năng đương đầu với chủ nghĩa đế quốc. Ông John Callow nhấn mạnh, chiến thắng không chỉ mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà của cả dân tộc Việt Nam. Ông chỉ ra rằng, bằng cách này, Đảng Cộng sản có khả năng đảm nhận vai trò tiên phong trong các cuộc chiến tranh giải phóng và xây dựng nền hòa bình dựa trên độc lập dân tộc thực sự và xã hội hóa kinh tế và nhà nước một cách tiến bộ.
Đánh giá về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới tại thời điểm đó, nhà sử học John Callow khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã phá vỡ sự thống trị thuộc địa của phương Tây (dù là về quân sự, văn hóa hay kinh tế) và mở ra tầm nhìn giải phóng dân tộc cho các dân tộc trên toàn cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng trực tiếp cho những chiến sĩ đấu tranh chống lại thực dân Pháp ở Bắc Phi, khơi dậy phong trào kháng chiến ở Algeria và đưa ra chiến lược chính trị kết hợp quân sự, giúp cung cấp thông tin cho Cách mạng Cuba và các cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng Frelimo ở Mozambique và nhóm MK (hay còn gọi là Ngọn giáo quốc gia) ở Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc.
Một mặt, chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh với tầng lớp cai trị của các cường quốc thuộc địa cũ như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Bỉ, rằng cán cân quân sự đã thay đổi và họ không thể nắm giữ cũng như giành lại các đế chế, các hình thức thống trị, bóc lột mà họ từng thực hiện trước Chiến tranh Thế giới thứ 2. Mặt khác, chiến thắng truyền cảm hứng hành động cho nhiều thế hệ những người đấu tranh cho tự do như Ben Bella, Samora Machel, Che Guevara, Angela Davis, Thomas Sankara và Chris Hani.
Ông Callow cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần vẽ lại bản đồ thế giới và phân phối lại quyền lực kinh tế và chính trị trên toàn cầu trên cơ sở công bằng hơn.
Bàn về sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 1944, nhà sử học người Anh cho rằng sự ra đời của Việt Minh với tư cách là một Quân đội nhân dân thể hiện tinh thần đấu tranh và hy vọng của toàn dân tộc, đặt nền móng cho những thành công sau này của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những người đàn ông và phụ nữ trong hàng ngũ quân đội không khác biệt với nhân dân mà là một phần quan trọng của nhân dân. Họ chiến đấu vì lý tưởng, tự do, vì sự đoàn kết dân tộc và vì một tương lai xã hội chủ nghĩa mang lại phẩm giá, bình đẳng và công lý cho tất cả mọi người.
Ông John Callow chỉ ra đây chính xác là điều mà các chỉ huy Pháp như tướng Navarre và đại tá De Castries không hiểu được. Họ không thể hình dung được nỗ lực chung của cả một dân tộc nhằm tạo ra các tuyến tiếp tế và vận chuyển đạn dược, pháo hạng nặng, gần như hoàn toàn bí mật, để có thể bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Họ không thể tưởng tượng được sự kết hợp giữa sức mạnh và lòng nhân đạo đã tạo nên Quân đội Nhân dân Việt Nam. Theo ông Callow, chính điều này đã giúp Việt Nam giành chiến thắng trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông chỉ ra rằng, những tội ác chiến tranh như vụ thảm sát ở Mỹ Lai, những đợt ném bom các thành phố và vùng nông thôn, rải chất độc da cam lên những cánh rừng và vùng đất nông nghiệp Việt Nam đã hằn sâu vào ký ức của cả dân tộc, song những khổ đau và hy sinh đó được đổi lại bằng việc hiện thực hóa một xã hội tốt đẹp hơn.
Ông John Callow cũng cho rằng việc giải phóng Campuchia khỏi chế độ Pol Pot vào năm 1979 ngay sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng là bằng chứng mạnh mẽ về chủ nghĩa quốc tế và cam kết của Quân đội Nhân dân Việt Nam đối với nhân quyền phổ quát. Chính sự liên kết giữa người lính và những người họ phục vụ đã tạo nên sự khác biệt và mang lại vinh quang lâu dài cho Quân đội Việt Nam.
Đánh giá về thành tựu của Việt Nam, nhà sử học John Callow cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức lớn, Việt Nam vẫn là "ngọn hải đăng" cho các quốc gia đang phát triển, cũng giống như thời kỳ sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn dựa trên quan điểm về tinh thần dân tộc, độc lập và tôn trọng luật pháp và các hiệp ước quốc tế, cũng như nhờ vào những nỗ lực không ngừng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong các quyết định của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là chống tham nhũng và bất bình đẳng; duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đình trệ; và phát triển các thành tựu văn hóa và chính trị đạt được thông qua lao động cả đời của tất cả những người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhà sử học John Callow, cựu Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London, là một người đã từng có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một người bạn lâu năm của Việt Nam.