San ủi mặt bằng bãi tắm |
Sau thời gian mưa bão và ngưng hoạt động, các bãi tắm trên địa bàn phường Thuận An bị sạt lở, sóng biển đánh vào bờ với cường độ mạnh dẫn đến cát bồi đắp, tràn ra các tuyến đường dẫn vào bãi tắm và hàng quán xung quanh. Không chỉ bãi tắm, các hàng cây dọc các tuyến đường dẫn vào bãi tắm, biển báo và các trụ đèn cũng xiêu vẹo, ngổn ngang khiến bãi tắm nhếch nhác, lộn xộn.
Chuẩn bị hạ tầng đón khách du lịch và người dân địa phương đến tham quan, tắm biển, UBND phường Thuận An đã kiện toàn các quyết định thành lập ban quản lý (BQL) bãi tắm, tổ chức lại các tổ bảo vệ, đội cứu hộ, tổ vệ sinh… Đồng thời, triển khai công tác tổng dọn vệ sinh, san lấp mặt bằng, nạo vét và vận chuyển cát ra biển, cắt tỉa cây xanh…, sẵn sàng đón khách; tăng cường quản lý vệ sinh môi trường đô thị, mỹ quan, trật tự đô thị, trang trí đường phố, hoàn thiện hệ thống đèn tín hiệu, biển báo các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, ông Huỳnh Văn Thông cho rằng, Thuận An hiện có 2 bãi tắm quy mô lớn, 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, vào mùa du lịch biển mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách nên công tác chỉnh trang, đầu tư hạ tầng, sắp xếp lại hàng quán luôn được phường triển khai trước khi mùa du lịch biển bắt đầu hơn 1 tháng. Cùng với việc chỉnh trang các bãi tắm, BQL đã tổ chức làm việc với các nhà hàng, quán ăn yêu cầu thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, cung ứng thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không được chèo kéo khách; đồng thời nắm lại số lượng người dân tham gia bán hàng rong trên bãi tắm để phát thẻ ra vào; tổ chức lại bộ máy phục vụ bãi tắm cũng như đầu tư các trang thiết bị cứu hộ cứu nạn.
Cùng với việc đầu tư chỉnh trang hạ tầng các bãi tắm, TP. Huế và phường Thuận An cũng đang gấp rút chuẩn bị cơ sở hạ tầng để tổ chức chương trình “Thuận An Biển gọi năm 2024”. Diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 28 - 30/4, đây là hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2024 gắn với định hướng Festival bốn mùa và chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trương Đình Hạnh, tiếp tục phát huy thương hiệu và vị thế của thành phố Festival, tiếp nối và phát huy thành quả của các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế, Thuận An Biển gọi năm 2024 mang bản sắc văn hóa dân gian, hoạt động cộng đồng của người dân địa phương; tiếp tục là cơ hội để địa phương tôn vinh, quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch và vùng đất Thuận An - Huế đến với du khách trong và ngoài nước. Chương trình được tổ chức với các hoạt động phong phú, đa dạng về nội dung, hấp dẫn về hình thức; phản ánh được những giá trị tinh hoa đặc trưng về đời sống, văn hóa của con người và vùng đất Thuận An - Huế; về tinh thần hăng say lao động, tình yêu biển đảo quê hương, đất nước; quảng bá, giới thiệu tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững kinh tế biển.
Với mục tiêu đầu tư phát triển du lịch, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ, trong đó khai thác tiềm năng du lịch biển, đầm phá sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố đang tập trung triển khai các đề án du lịch, văn hóa đã được phê duyệt, như: xây dựng mô hình khu du lịch sinh thái cộng đồng Rú Chá - Cồn Tè, hoàn thiện hạ tầng để kết nối các tour du lịch biển Thuận An - Hải Dương - du lịch sinh thái cộng đồng Rú Chá - Cồn Tè nhằm tạo sự kết nối, liên hoàn để thu hút khách.