Khách tham quan triển lãm giao lưu quốc tế Việt Nam – Lào do Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp tổ chức

Ngày 24/5/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU (khóa XVI) về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, để phát triển Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 04-NQ/TU hiệu quả, có vai trò quan trọng của Đại học Huế nói chung và Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế nói riêng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho biết, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU, cán bộ, đảng viên là những nghệ sĩ của trường đã tích cực sáng tác và tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Tự giác trong việc tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác. Luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ vững mạnh, nhà trường ổn định và từng bước phát triển.

Thời gian qua, Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, nghiên cứu và đào tạo về văn hóa, mỹ thuật hàng đầu. Trường là cơ sở thực hành, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật và cung cấp dịch vụ; tiến tới trở thành cơ sở đào tạo cung cấp nguồn nhân lực về văn hóa nghệ thuật đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Năm 2022 nhà trường có 10 đề tài cấp trường, 1 cấp Đại học Huế, 1 cấp Bộ. Năm 2023, có 12 đề tài cấp trường, đang triển khai 01 cấp Đại học Huế. Trường đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Mỹ thuật Savanakhet - Lào, Trường đại học kỹ thuật Rajamangala - Isan Thái Lan… Tổ chức các triển lãm mỹ thuật quốc tế, hội thảo quốc tế, như Triển lãm quốc tế “Sống cùng di sản”; hội thảo quốc tế Engaging With Vietnam lần thứ 14 tại Huế; trại sáng tác với chủ đề “Mỹ thuật và Di sản” lần thứ 2; triển lãm giao lưu quốc tế Việt Nam – Hàn Quốc; triển lãm giao lưu quốc tế Việt Nam – Lào…

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ kết luận tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ sự trăn trở về tuyển sinh đại học chính quy của trường còn gặp nhiều khó khăn. Sự mất cân đối về quy mô giữa các ngành đào tạo trong trường đã ảnh hưởng nhiều đến điều kiện đảm bảo chất lượng, quy hoạch xưởng thực hành, xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu. Sự phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa chặt chẽ, nên chưa phát huy được năng lực của đội ngũ nhân lực. Thiếu cơ chế đặc thù để nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tuyển sinh, đào tạo sau đại học…

Kết luận tại buổi làm việc,  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đặt vấn đề, khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Trực thuộc Trung ương, vai trò của Trường đại học Nghệ thuật nói riêng và Đại học Huế như thế nào? Trường đại học Nghệ thuật có truyền thống và thương hiệu trong đào tạo, sáng tác lĩnh vực nghệ thuật hàng đầu trong cả nước và quốc tế. Nếu trường không giữ được vị thế, điều đó có nghĩa là Thừa Thiên Huế cũng bị mất đi bản sắc của địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, để triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU có hiệu quả, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian đến, Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cần đổi mới trong đào tạo, nghiên cứu, quản trị, sáng tác nghệ thuật; củng cố, bồi dưỡng hoàn thiện bộ máy để hoạt động hiểu quả. Phấn đấu đảm bảo các tiêu chí để đạt chuẩn của một cơ sở đào tạo giáo dục đại học, hướng đến mở thêm các ngành mới, tuyển sinh sau đại học.

Đồng thời, đề nghị các sở, ban ngành trong tỉnh rà soát việc thiếu hụt nhân lực lĩnh vực nghệ thuật như thế nào để phối hợp với trường bồi dưỡng, đào tạo. Nghiên cứu những lĩnh vực nghệ thuật có nguy cơ bị mai một để phối hợp gìn giữ và phát huy. Cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để sự phối hợp giữa trường và các đơn vị chặt chẽ hơn, đạt hiệu quả nhất có thể trong thời gian đến.

ĐỨC QUANG