Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (thứ 2 bên phải qua) kiểm tra trang thiết bị bay phát hiện đám cháy |
Cùng thực tế kiểm tra với Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu còn có: UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; TUV, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương.
“Phát hiện sớm, phản ứng nhanh, xử lý hiệu quả”
Trực tiếp kiểm tra công tác bố trí lực lượng, phương tiện và triển khai các biện pháp lâm sinh phục vụ việc PCCR tại địa bàn khu di tích Chín Hầm, phường An Tây và Núi Vung, xã Thuỷ Bằng (TP. Huế), Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu ghi nhận sự vào cuộc, chủ động triển khai của cả hệ thống chính trị trong công tác PCCR thời gian qua.
Theo dự báo, thời tiết nắng nóng, khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới, nguy cơ cháy rừng và cháy lớn rất dễ xảy ra. Để chủ động thực hiện tốt công tác PCCR, hạn chế thấp nhất số vụ, thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các địa phương, các ngành, chủ rừng tiếp tục tập trung cao độ thực hiện các giải pháp PCCR. Giữ nguyên tắc, quan điểm phòng cháy là phải “phát hiện sớm, phản ứng nhanh, xử lý hiệu quả”
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu, ngành kiểm lâm cần tập trung đổi mới công tác tuyên truyền PCCR. Làm cho người dân hiểu, PCCR là trách nhiệm chung của toàn xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cánh báo nguy cơ và phát hiện sớm cháy rừng.
Các ngành, địa phương, chủ rừng tăng cường mua sắm vật tư, trang thiết bị chữa cháy; soát xét lại phương án huy động lực lượng, phương tiện, đảm bảo sẵn sàng tham gia PCCR kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.
Hiện, toàn tỉnh đã xác định được 5 vùng trọng điểm cháy rừng, với hơn 70.000 ha trải đều trong toàn tỉnh. Mặc dù các cấp, các ngành đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp PCCR, nhưng do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nên từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy với tổng diện tích 12,7 ha.
Ngoài nguyên nhân khách quan do nắng nóng kéo dài, nguyên nhân chủ quan do một số người dân sống gần rừng, ven rừng ý thức trách nhiệm chưa cao, không chấp hành pháp luật, xử lý thực bì, đốt ong, thắp hương tại các nghĩa trang gần rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng dẫn đến cháy.
Tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh tiến độ
Tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tại tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Đoàn công tác nhận thấy, dù thời tiết nắng nóng, nhưng công nhân ở đây vẫn đang khẩn trương làm việc với mục tiêu cao nhất, đảm bảo tiến độ đề ra. Chỉ còn khoảng 3,5km đường đơn vị đang tiếp tục thi công nữa là có thể thông xe toàn tuyến theo kế hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc |
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo, tuy thời tiết nắng nóng, nhưng đây là thời điểm thuận lợi để chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai các phương án, đẩy nhanh tiến độ. Cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Phong Điền cùng phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Đây là tuyến đường quan trọng không chỉ cho việc đi lại thuần túy, mà còn sử dụng trong việc cứu hộ, cứu nạn; tạo bộ mặt đô thị cho bộ mặt vùng nông thôn của huyện Phong Điền, nhất là khu vực Ngũ Điền.
Sau thời gian nỗ lực thi công, đến nay, công trình cầu vượt cửa Thuận An (TP. Huế) đã bắt đầu hình thành hình hài của một cây cầu chiến lược cho sự phát triển đi lên của tỉnh. Công trình vẫn đang được thi công các hạng mục còn lại. Dù còn những khó khăn nhất định, nhưng theo chủ đầu tư và đơn vị thi công phấn đấu, cuối năm 2024, cầu vượt cửa Thuận An sẽ hợp long. Tháng 3/2025 cầu thông xe kỹ thuật và cuối năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn những vướng mắc. Số mồ mả của người dân ảnh hưởng đến công trình vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những hộ dân nằm trong diện giải tỏa, di dời đã có phương án tại Khu TĐC B5, phường Thuận An (TP. Huế).
Trước vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo, hạng mục nào thuận lợi thì tập trung tiếp tục triển khai; những hạng mục khó cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để từng bước tháo gỡ, nhưng phải trên tinh thần vì cuộc sống người dân.
Để đưa người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình cầu vượt cửa Thuận An, hiện đơn vị thi công đang tập trung san nền, hạ tầng Khu TĐC B5 để đưa 145 hộ dân về sinh sống ổn định tại đây. Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và Đoàn công tác, lãnh đạo chính quyền phường Thuận An cho biết, người dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương di dời, giải tỏa, nhưng họ cũng mong sớm được về nơi ở mới để ổn định cuộc sống.
Công trình cầu vượt cửa Thuận An đã bắt đầu hình thành hình hài của một cây cầu chiến lược cho sự phát triển của tỉnh |
Trước thực tế này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và TP. Huế tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công rà soát và có phương án để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Những hộ nào thuận lợi thì có phương án sớm, những hộ còn những vướng mắc tiếp tục tháo gỡ.
“Hầu hết các công trình đều cơ bản đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra các công trình, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện, tập trung tháo gỡ. Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn vốn để các công trình đảm bảo tiến độ. Sau khi hoàn thành các công trình này, bộ mặt đô thị của TP. Huế và cả tỉnh có những thay đổi, đi kèm là đời sống của người dân cũng không ngừng tăng lên; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định.