Toàn cảnh cuộc họp |
Quý I năm 2024, Ban đại diện đã bám sát nghị quyết của HĐQT NHCSXH, cũng như các định hướng, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban đại diện tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, vì thế trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, tích cực, tăng trưởng đi đôi với chất lượng ổn định, bền vững.
Nguồn vốn thực hiện đến 31/3/2024 tại chi nhánh đạt 4.495,1 tỷ đồng, tăng 111,7 tỷ đồng so với năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng 2,54% (nguồn vốn trung ương tăng 57,6 tỷ đồng, tăng 1,38%, nguồn vốn địa phương tăng 54,1 tỷ đồng, tăng 25,81%). Tổng dư nợ đến 31/3/2024 đạt 4.461,6 tỷ đồng với 96.353 khách hàng còn dư nợ, tăng 86,2 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ toàn chi nhánh đạt 1,97%. Doanh số cho vay quý I/2024 đạt 386 tỷ đồng, với 7.930 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay NS&VSMTNT, cho vay giải quyết việc làm,…
Chi nhánh tập trung kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thực tế việc thực hiện nguồn vốn của các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP nhằm chấp hành nghiêm túc quy trình cho vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn đúng mục đích xin vay nhằm phát huy hiệu quả, tạo thu nhập cho người vay.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Chi nhánh NHCSXH tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao. Tiếp tục chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương thường xuyên rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội để khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách khi có nhu cầu. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp thực hiện "Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo năm 2024" một cách hiệu quả và thiết thực.
Chi nhánh cần tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, gắn với các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội. Cần rà soát, triển khai kế hoạch và các nhiệm vụ một cách đồng bộ, chú trọng công tác giải ngân nguồn vốn đến với người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh tồn tại, thiếu sót trong hoạt động tại các điểm giao dịch xã cả về hình thức, nội dung và quy trình thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các dự án, mô hình, chương trình có kết quả tốt, các gương điển hình tiên tiến thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.