Mỗi việc làm, sinh hoạt thường ngày của mỗi người đều để lại “dấu carbon” nơi ấy |
Một thông tin của đồng nghiệp chia sẻ khá thú vị, khi lần đầu tiên tại Việt Nam, hệ thống truy xuất “dấu carbon” cho trái thanh long tại tỉnh Bình Thuận - một vùng trồng chuyên canh cây thanh long lớn nhất cả nước. Thông qua mã QR được gắn trên từng trái thanh long, người tiêu dùng sẽ biết được lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất, biết được mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường của loại trái cây này. Điều này giúp đảm bảo cho nông dân và các công ty xuất khẩu bắt kịp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu cao cấp.
Dấu carbon trên sản phẩm (Carbon Footprint of Product - CFP) là lượng khí thải nhà kính tính bằng đơn vị CO2 được tính trên cả vòng đời của sản phẩm. Chỉ số này sẽ cho người tiêu dùng biết, liệu một sản phẩm họ sử dụng sẽ thải ra bao nhiêu khí CO2 - một trong những yếu tố gây ra biến đổi khí hậu.
Khi lượng khí thải nhà kính càng ít, sẽ làm chậm lại quá trình ô nhiễm và giúp khí hậu ngày càng trong lành hơn. Hiện tại, nhiều quốc gia đã dán nhãn công bố CFP lên sản phẩm. Với những người tiêu dùng thông minh, ngoài việc cân nhắc về chất lượng, giá cả, các chỉ số CFP trên sản phẩm cũng là điều cho họ thêm sự lựa chọn sản phẩm khi muốn sở hữu, sử dụng. Để tính cho ra một CFP trên sản phẩm, người sản xuất buộc phải kiểm soát được thông tin về vòng đời sản phẩm, bắt đầu từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến khi thành phẩm, bán ra. Lượng phát thải nhà kính lúc này nếu được tính theo từng giai đoạn sản xuất thì sản phẩm rõ ràng càng có ưu thế. Như vậy càng minh bạch, càng tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng, chưa kể càng cụ thể về con số CFP. Qua đó theo từng ngày, những dấu vết carbon sản phẩm sẽ phải nhỏ dần, góp phần vào xây dựng môi trường xanh. Đây cũng là lý do để xu hướng sống xanh - tiêu dùng xanh đang được nhiều người, địa phương và quốc gia trên thế giới lựa chọn.
Hiện nay, phần lớn khí thải carbon đến trực tiếp trên tất cả các lĩnh vực giao thông, xây dựng, sản xuất công, nông nghiệp. Ví dụ rất dễ hiểu trên National Geographic về cách tính “dấu carbon” như sau: Một người thường xuyên ăn thịt bò sẽ có nhiều dấu carbon hơn người ăn chay. Tuy nhiên, dấu carbon tổng thể của người ăn chay có thể lớn hơn do lái xe một giờ đi làm và quay về nhà bằng ô tô mỗi ngày, khi so sánh với người ăn thịt đạp xe đạp đến văn phòng gần đó.
Hay, người ăn chay trường với hạt và nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu ở trong căn nhà xây lớn có máy điều hòa, sử dụng hai tủ lạnh để trữ hạt và trữ mỹ phẩm, đi làm bằng xe hơi, thi thoảng du lịch nước ngoài thì lượng dấu carbon của người này sẽ lớn gấp trăm phần so với người nông dân tự trồng thực phẩm, ăn thịt bò, heo, gà, đi bộ ra vườn, không sử dụng tủ lạnh, không sử dụng điều hòa. Các nghiên cứu chỉ ra, 73% dấu vết carbon đến từ việc tiêu thụ năng lượng điện, xăng, dầu trong xây dựng, vận chuyển, các ngành nghề công, nông nghiệp.
Vậy thì khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ tự chọn được lối sống phù hợp... Và cũng nên hiểu rằng, mỗi chúng ta khi ở đâu, làm gì, dấu vết carbon sẽ diện hiện ở đó.