Âu tàu Đá Tây A-điểm tựa của ngư dân |
Âu thuyền dành cho ngư dân
Người chúng tôi gặp đầu tiên là anh Nguyễn Thanh Tâm-Phó Giám đốc của Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Công ty có văn phòng đóng ngay trên đảo, có đội tàu dịch vụ gồm 11 chiếc, trong đó có 1 ponton chứa dầu, 1 chiếc tàu kéo, 9 chiếc tàu vận chuyển từ đất liền ra đảo.
Anh Nguyễn Thanh Tâm cho biết, đơn vị có chức năng chính là cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá; kiểm tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái; tham gia tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển và tham gia bảo vệ quốc phòng an ninh trên vùng biển Trường Sa - DK1.
Chuẩn bị đưa hàng vào đảo |
ông ty đi vào hoạt động ở đảo Đá Tây A từ năm 2005, chỉ riêng nhiệm vụ dịch vụ hậu cần, đã cung ứng lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho các tàu thuyền đánh cá; thu mua các loại hải sản ngư dân đánh bắt được ngay trên biển tạo điều kiện cho ngư dân tăng thời gian đánh bắt; nhận sửa chữa tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ ngư dân ngay trên biển; cung cấp nước ngọt miễn phí, tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn nghỉ cho bà con ngư dân khi đau ốm bệnh tật hay tránh trú bão.
Trong mùa mưa bão, công ty còn sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân trong lòng hồ đảo Đá Tây A. Đội tàu còn luân phiên canh trực, tham gia tuần tra, cứu hộ hàng hải khi có lệnh ở một số đảo như Núi Le, Đá Lớn, Tốc Tan, Sinh Tồn…
Anh Nguyễn Quang Tấn có 12 năm ở đảo đang chuẩn bị hàng hóa cho bà con trên đảo |
Năm 2023, công ty đã cung ứng 282.686 lít dầu diezen, 29 tấn lương thực, thực phẩm, cung cấp cho ngư dân 115.648 cây đá và 2.427m3 nước ngọt miễn phí, sửa chữa 40 tàu thuyền hư hỏng… Ba tháng đầu năm nay, công ty tiếp nhận và cung ứng 100.600 lít dầu, cung cấp 26.222 cây nước đá và cung cấp 463m3 nước ngọt miễn phí, sửa chữa 5 tàu hư hỏng.
Chúng tôi ghé vào cửa hàng của công ty, đang chuẩn bị hàng hóa cho bà con trên đảo, thấy khách đến anh Nguyễn Quang Tấn rất vui. Hỏi thì biết, Tấn 35 tuổi, có vợ và con ở Thanh Hóa, vậy mà đã có 12 năm công tác ở đảo.
Mỗi năm ở âu tàu đảo Đá Tây A có cả ngàn lượt thuyền của ngư dân ghé vào, chỉ riêng năm 2023, đã có 1005 chiếc tàu vào neo đậu… Đảo Đá Tây A thật sự là điểm hẹn của ngư dân trên biển.
Tết ở đảo Đá Tây A
Nhà Đại doàn kết các dân tộc Việt Nam được xây dựng bề thế, khang trang |
Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam có kiến trúc rất đẹp, là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân và cán bộ, chiến sĩ. Khi chúng tôi đến, khá đông các cháu bé đang chơi đùa, thấy khách đến, chào hỏi rất lễ phép. Một cháu trai mập mạp, có vẻ nghịch ngợm và mau chuyện, hay cười khoe cả hàm răng sún. Cháu giới thiệu tên là Phan Văn Yên, con của bố Phan Văn Thanh và mẹ Bùi Thị Em. - “Con học lớp ba, chính tả 10 điểm, làm toán 9 điểm”, - “Vậy là đứng đầu lớp rồi”, - “Chưa đâu bác ơi, anh Bi mới đứng đầu, môn nào anh ấy cũng 10 điểm. Con chỉ đứng thứ ba thôi”. – “Cháu thích nhất cái gì?”, - “Thích nghỉ Tết nhất đó bác. Tết được nghỉ học đi chơi. Được chơi đập heo, xem kéo co, xem bóng chuyền…”.
“Tết ở đảo rất vui” - chị Nguyễn Thị Minh ngồi cạnh cháu tiếp lời. Suốt ba ngày Tết, ban chỉ huy tổ chức rất nhiều trò chơi: Thi nấu bánh chưng, thi đánh bóng chuyền, thi kéo co, rồi bịt mắt đập heo đất. Không phải thi bịt mắt đập om như ở đất liền đâu, mà thay vào đó là con heo đất. Cả đảo xúm lại coi thi, hò hét động viên vui lắm… Rồi người dân đi thăm nhau, đi thăm, chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ, giao lưu văn nghệ… Ấm áp và tình cảm.
Chùa Đá Tây A |
Hai anh Lê Đại Thành, Nguyễn Xuân Lệ kể thêm chuyện: Ngày tết có thi nấu mâm cơm tết nữa. Các món ăn bắt buộc phải là sản phẩm được tăng gia sản xuất trên đảo, như các loại rau, cá mực đánh bắt được và cả thịt heo, thịt gà nuôi được. Nuôi heo ở đảo thì phải chờ qua mùa mưa mới nuôi được, vì mùa nắng không có nước dành cho gia súc…
Nhưng một điều các chiến sĩ ở đảo luôn nhớ, là vui chơi không quên nhiệm vụ, luôn đề cao cảnh giác quan sát các động tĩnh ngoài khơi xa. Điều nữa là cũng phải thường xuyên lau chùi vũ khí. Ở đây độ ẩm mang theo nhiều sương muối làm cho vũ khí, trang thiết bị khí tài mau xuống cấp nếu không được chăm sóc hàng ngày.
Ở đảo có ngôi chùa rất đẹp, nhiều bóng cây xanh và đón hướng gió nên rất mát. Mồng một Tết, bà con đi lễ chùa cầu an, sau đó mới về đi thăm chúc Tết lẫn nhau.
Miên man xanh
Rau xanh với sức sống bền bỉ giữa biển khơi |
Trên lối đi quanh đảo là hàng phi lao có bóng che trùm mát rượi. Xen lẫn với phi lao là các loài cây phong ba, bàng vuông… Có rất nhiều vườn rau được trồng trên đảo. Rau của Công ty Dịch vụ Biển Đông, rau của các đơn vị chiến sĩ, rau của các hộ dân. Đủ các loại rau xanh tốt từ bàn tay người ở đảo. Sở dĩ chúng tôi đi đến các đảo đều quan sát các vườn rau. Bởi rau xanh không chỉ là dấu hiệu sự sống giữa biển khơi, mà nó còn cho biết đó chính là sức sống bền vững.
Cũng đôi khi chúng tôi gặp một số bụi chuối xanh tốt, đây là điều rất lạ ở vùng đất quanh năm bão tố trùng khơi. Ôi người dân Việt Nam, mang cả cây chuối từ đất liền ra đảo xa hàng trăm hải lý, trồng để có lá ngày Tết gói bánh chưng, kể cho con cháu nghe chuyện truyền thuyết Vua Hùng thứ 18 và sự tích bánh chưng bánh dày biểu trưng cho trời tròn đất vuông.
Có lẽ cây đu đủ hợp với thổ nhưỡng ở đây nên xuất hiện với mật độ khá nhiều. Anh Lê Xuân Chức, 41 tuổi, đang ngồi uống trà sớm ngắm vườn rau rất đẹp anh trồng ngay trước sân nhà. Ở đó có một cây đu đủ trồng trong chậu mà trái ra chín trĩu cây. Anh nói đất ở đảo có nhiều san hô nên hợp với chuối và đu đủ. Chuối được trồng thử nghiệm vài năm lại đây và cho thấy nó sống được trên đảo vào mùa ít gió.
Nhìn cây đu đủ sai quả ở vườn rau anh Chức, nhận ra sức sống ở nơi đây mãnh liệt vô cùng.
(Còn nữa)