Ông Hoàng Trọng Thủy |
Dự án “Làm bạn với sách” ra đời năm 2008, nhưng ý tưởng thì đã được hình thành trước đó từ lâu, dựa trên những trải nghiệm cũng như sự mong đợi của tôi đối với các cháu học sinh. Cá nhân tôi có một trải nghiệm buồn tuổi thơ. Hồi nhỏ tôi là cậu học sinh nghèo khó ở vùng quê lên thành phố học đại học, thời gian đó tôi luôn mặc cảm, tự ti về sự nghèo khó và kiến thức của mình. Sau nhiều năm trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở 6 tỉnh miền Trung, tôi lại thấy hình bóng của mình ở những đứa trẻ vùng nông thôn. Một lý do nữa là khi vào đại học, tôi mới tập tành đọc sách. Như thế là quá muộn cho quãng đời học tập của một con người, và quá trình làm việc, trải qua những vấp váp, tôi nhận thấy kiến thức học ở trường là không đủ để có bước chân vững chãi vào đời. Vì thế tôi có ý tưởng thành lập dự án này.
Kể từ khi ra đời đến nay, dự án đã mang lại kết quả tích cực như thế nào? Với vai trò là người sáng lập dự án, điều gì làm ông cảm thấy vui nhất?
Kết quả ngoài mong đợi lớn nhất là thay đổi về nhận thức không những của học sinh, giáo viên, nhà trường và phụ huynh, mà việc đọc sách ngày càng nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của cộng đồng. Tôi nghĩ đó là điều khó thay đổi nhất nhưng mọi người đã làm được mặc, dù còn khá khiêm tốn. Thứ hai là chúng tôi đã tạo được môi trường đọc sách cho học sinh xuyên suốt từ bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với hơn 400 thư viện ở 6 tỉnh miền Trung. Đó là số thư viện chúng tôi làm, còn số thư viện các địa phương mô phỏng nhân rộng ra có thể được tính bằng cấp số nhân.
Học sinh hào hứng đọc sách tại thư viện thân thiện do Dự án “Làm bạn với sách” xây dựng |
Và một kết quả đáng mừng nữa là hiện có rất nhiều trường học đã đưa chương trình đọc sách, dạy đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của học sinh. Chúng tôi đã hỗ trợ nhà trường phương pháp, tài liệu dạy đọc sách, từ đó giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng cần thiết và quan trọng. Một điều đáng mừng nữa là ngày càng có nhiều cá nhân và tập thể quan tâm đến văn hóa đọc, và trong những năm gần đây thì phong trào đọc sách nở rộ ở nhiều nơi và ngày càng có nhiều nguồn lực giúp cho việc phát triển văn hóa đọc thuận lợi hơn.
Hẳn sẽ có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình dự án thực hiện các thư viện thân thiện, ông có thể kể về kỷ niệm mà ông ấn tượng nhất không?
Trong 16 năm triển khai dự án, chúng tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn. Xin chia sẻ kỷ niệm vui gần đây nhất là ngày 10/4 vừa qua, chúng tôi có buổi nói chuyện về sách với gần 400 sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ. Sau buổi nói chuyện, một số bạn nán lại xin gặp bằng được tôi với lý do đơn giản là: “Cháu nghe chú đến nên muốn tham dự để nói lời cảm ơn vì nhờ chú, cháu được bồi dưỡng kỹ năng đọc sách và sách mang lại cho cháu nhiều niềm vui!”. Có những kỷ niệm khá thú vị nữa là khi chúng tôi về các trường mầm non làm thư viện, các cô chạy ra nói vui: “Bắt đền anh vì trẻ của tụi em lên thư viện là say sưa đến giờ ăn không chịu về!”.
Ông có thể chia sẻ một vài bí quyết để giúp trẻ hứng thú trong việc đọc sách không?
Bí quyết hướng cho trẻ đọc sách quan trọng là dạy trẻ đọc sách từ sớm. Đối với trẻ, dẫn dắt các cháu đến với thế giới sách càng sớm càng tốt, thậm chí là ngay trong bào thai, để bồi dưỡng thói quen và hứng thú đọc sách. Ở trường và ở nhà, cần cho các cháu một khoảng thời gian trong ngày phù hợp cho việc đọc sách. Còn về con người, tôi nghĩ yếu tố gia đình là then chốt nhất, và nên bắt đầu từ phụ huynh vì phụ huynh lơ là việc đọc sách thì rất khó để khuyến khích con đọc sách. Ở trường thì các thầy cô là tấm gương để đưa các cháu đến thế giới sách. Chúng ta cũng cần có không gian đọc sách như mô hình thư viện thân thiện và tủ sách lớp học chúng tôi đã kiến tạo. Ngoài không gian ra thì cần có lượng sách, tài liệu đa dạng và phù hợp cho các cháu ở các lứa tuổi thì mới khiến các cháu có hứng thú đọc sách.
Ông đánh giá thế nào về sự chuyển biến tích cực của các trường trong việc thúc đẩy học sinh đọc sách?
Theo chúng tôi, sự chuyển biến tích cực đầu tiên là về nhận thức, hầu hết các trường học ở miền Trung đã nhận thức được giá trị và ý nghĩa của hoạt động đọc sách đối với giáo dục trong trường học và thực tế là hoạt động đọc sách đã giúp cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở trong trường học. Thứ hai là các trường đã rất chủ động trong xây dựng kế hoạch, tìm kiếm nguồn lực và tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Rất nhiều trường đã chủ động nhân rộng mô hình của chúng tôi và chủ động tạo ra môi trường đọc sách ở trong nhà trường. Trước đây, cán bộ thư viện ở trường học kiêm nhiệm nhiều việc nhưng sau này, cán bộ thư viện đã làm chuyên hơn về công tác chuyên môn. Nhiều trường đã huy động đội ngũ giáo viên tham gia tổ chức hoạt động đọc sách cùng thư viện. Đây là một trong những thay đổi rất tuyệt vời. Tuy nhiên, mức độ thay đổi ở các trường khác nhau về số lượng cũng như chất lượng, hy vọng thời gian tới các trường sẽ có thay đổi đồng bộ hơn về chất và lượng.
Xin cảm ơn ông!