Khách trải nghiệm tại Bạch Mã Village. Ảnh: Bạch Mã Village - Thác Trượt Bạch Mã |
Hút khách, mừng & lo
Mới đầu hè, các điểm du lịch suối thác đã thu hút rất đông khách, nhất là dịp cuối tuần. Từ các điểm suối thác tại Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà đến Nam Đông, A Lưới, khách đi theo các nhóm bạn, gia đình để tắm và thưởng thức ẩm thực khá đông, chủ yếu là khách nội địa. Chị Ngô Thị Mỹ Linh, đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Mình vào Huế chơi với gia đình, rồi cùng nhau đi tắm thác ở Phú Lộc kết hợp đến thưởng thức hải sản bên đầm Lập An. Đi suối thác để “giải nhiệt” mùa này rất thích hợp. Suối thác ở Huế cũng rất đẹp”.
Mùa hè là mùa của du lịch suối thác. Những năm qua, vào mùa du lịch hè, gần như các điểm du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đều hoạt động hết công suất. Đặc biệt là các điểm ở huyện A Lưới như: suối Pârle (Hồng Hạ), thác A Nôr (Hồng Kim), suối A Lin (Hồng Vân), suối khoáng nóng A Roàng (A Roàng) hay các điểm du lịch ở huyện Phú Lộc, như suối Tiên (Lộc Thủy), thác Bồ Ghè (Lộc Tiến), suối Mơ (Lăng Cô)…
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện A Lưới chia sẻ, A Lưới có lợi thế về các điểm du lịch suối thác. Nhiều năm gần đây, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở A Nôr, A Lin, Hồng Hạ… luôn trở thành lựa chọn của rất đông du khách. Có điểm du lịch trong ngày thu hút hơn cả ngàn lượt khách để tắm, trải nghiệm dịch vụ. Các khe, suối, điểm du lịch mới tại A Lưới cũng được nhiều khách lựa chọn trải nghiệm, kết hợp cắm trại, dã ngoại.
Tại huyện Phú Lộc, nơi có rất nhiều điểm du lịch suối, thác, lượng khách về đây trải nghiệm rất lớn, đặc biệt là khách địa phương và các tỉnh lân cận. Ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết, nhờ đầu tư, nâng cấp các điểm du lịch gắn với tăng chất lượng dịch vụ, dịp cuối tuần, ngày lễ, các điểm suối thác luôn rất đông khách. Đặc biệt là các kỳ nghỉ dài ngày như 30/4 – 1/5. Du lịch suối thác đã trở thành loại hình du lịch góp rất lớn trong bức tranh du lịch tổng thể du lịch của huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Thu hút khách là chuyện đáng mừng, song, một nỗi lo đi kèm là vấn đề an toàn cho du khách. Những năm qua, thi thoảng vẫn xảy ra tình trạng khách đi tắm suối thác gặp tai nạn không mong muốn. Nếu không cẩn thận, khi bước qua các tảng đá sẽ bị trượt ngã; hoặc do khách mới đến suối chưa kịp nghỉ đã xuống tắm sẽ gây sốc nhiệt, bởi nước ở suối thường rất lạnh. Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến đuối nước và tai nạn đáng tiếc ở các điểm tắm suối thác. Đặc biệt, dông, lốc xoáy cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đe dọa đến an toàn của du khách khi tắm suối, thác.
Thực tế, tại các địa phương, vẫn còn một số điểm tắm suối thác nhỏ lẻ, tự phát, chưa hình thành được mô hình ban quản lý. Xu hướng một số khách lại ưa tìm những điểm suối thác vắng người để đi phượt, tự do trải nghiệm nên gây mất an toàn. Thậm chí tại các điểm du lịch suối thác, dù ban quản lý hay các doanh nghiệp khai thác du lịch đã bố trí áo phao, giới hạn vị trí an toàn nhưng vẫn có tình trạng khách không tuân thủ, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn đuối nước.
Tăng cường biện pháp an toàn
Theo bà Lê Thị Thêm, sau giai đoạn làm đường, điểm du lịch suối thác ở Hồng Hạ năm nay sẽ phục vụ khách trở lại. Trước mùa du lịch suối thác, lực lượng chức năng đã tiến hành đi kiểm tra, nhắc nhở các điểm du lịch tăng cường biện pháp an toàn. Hiện, các điểm du lịch cũng đã làm lại, gia cố các lán, trại ở khu vực các suối, thác để đảm bảo an toàn cho khách.
Ông Chung cho rằng, từ thực tế các năm, ngoài kiểm tra nhắc nhở của cơ quan quản lý, trách nhiệm vô cùng quan trọng ở đây là thuộc về các hộ kinh doanh, nhất là các chủ sạp ở các điểm du lịch phải chủ động đảm bảo an toàn cho khách. Các hộ kinh doanh cần phải có trách nhiệm nhắc nhở, cảnh báo cho khách biết khi đến sử dụng dịch vụ tại sạp, nhất là đối với khách ngoại tỉnh.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, nhằm thắt chặt quản lý hoạt động du lịch tại các điểm suối thác, hằng năm, Sở Du lịch có văn bản đến các huyện, thị xã và các điểm du lịch tăng cường thực hiện, phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước. Công tác tuyên truyền, nhắc nhở về phòng chống tai nạn đuối nước gắn với kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm du lịch luôn được thực hiện song song. Bên cạnh đó, rất cần sự chủ động, ý thức đảm bảo an toàn của các hộ kinh doanh và du khách.
Trước khi bước vào cao điểm mùa du lịch suối thác, các điểm du lịch cũng cần tập huấn lại kỹ năng cho toàn bộ nhân viên, trang bị lại đầy đủ trang, thiết bị, phương tiện đáp ứng toàn bộ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Các hồ tắm cần có cứu hộ túc trực và được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, sơ cứu. Ngoài ra, cần trang bị đầy đủ các biển cảnh báo độ sâu, trơn trượt, nội quy khi khách tham gia vui chơi.