Bố, mẹ trò chuyện cùng con hằng ngày. Ảnh: MC |
Chị T.N.A kể rằng, mình đã từng phát hiện con có muốn tự tử khi suốt thời gian dài có dấu hiệu chán nản, mệt mỏi, không hoạt bát, vui vẻ nữa. Con chị nói nhiều đến cái chết, hay bàn đến cái chết. Chị cảm thấy bất an liền liên hệ với giáo viên chủ nhiệm cho con tạm nghỉ học và đưa đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ.
Một phụ huynh có con học lớp 9 cảm thấy lo lắng khi ở Huế xuất hiện những vụ tự tử ở độ tuổi teen. Thế nên, đôi khi phải chấp nhận con với những cá tính riêng và không nên quá kỳ vọng như các bạn khác. Thậm chí, có thời gian, tôi phải chấp nhận con thụt lùi, lười nhác, bởi giáo dục là quá trình dài...
Đa số học sinh tự sát gần đây đều rơi vào lứa tuổi dậy thì. Đây là lứa tuổi chuyển giao khiến các em có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý. Các em cũng dễ bị kích động và phản ứng theo kiểu manh động, tức không kiểm soát được hành vi. Khi không hài lòng, trẻ thường rơi vào trạng thái dễ kích động, dễ xúc động và có thể hành động manh động.
Theo các chuyên gia tâm lý, học sinh tự tử không chỉ là áp lực thi cử, kỳ vọng từ phụ huynh mà chính các em tự tạo áp lực cho mình. Có em có áp lực muốn thể hiện bản thân nhưng không biết cách thể hiện; áp lực mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Chuyên gia tâm lý Trịnh Bắc Hà cho rằng, ở lứa tuổi khủng hoảng này, nhiều em chưa đủ tư duy để suy nghĩ chín chắn, có khi còn chưa phân định được đúng - sai trong nhiều tình huống, các em bị cảm xúc chi phối rất nhiều nên đưa ra quyết định rất nhanh.
Trên một diễn đàn có con ở tuổi dậy thì, nhiều chuyên gia đã đưa ra lời khuyên, phụ huynh cần tạo điều kiện cho con điều hòa các hoạt động. Nếu trẻ chỉ suốt ngày quanh quẩn với máy tính, điện thoại, game thì rất dễ gặp các vấn đề tâm lý như stress, lo âu, trầm cảm, dần dần sẽ dẫn đến ý muốn tự tử. Một đứa trẻ cần những người bạn, cần có thầy cô, cần được sống và hoạt động trong một môi trường thực thay vì thế giới ảo trên game, điện thoại.
Mặc dù nguyên nhân của tự tử rất đa dạng, nhưng đa số có thể đề phòng nếu theo dõi quan sát sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời của các nhà chuyên môn. Cách tốt nhất để hoạt động phòng, chống tự sát là dựa vào trường học với một đội công tác gồm các giáo viên, nhà tâm lý phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng. Nghiệm ra không có một chuyên gia tâm lý nào có thể hiểu đứa trẻ hơn bố mẹ. Thế nhưng, không phải bố mẹ nào cũng chấp nhận con. Thực tế, không ít gia đình đã tạo áp lực, đòi hỏi con về điểm số, thành tích. Thế nên, bố mẹ hãy “lùi lại” dành thời gian chia sẻ với con mỗi ngày. Có như vậy, bố mẹ mới giúp con vượt qua những khủng hoảng, thách thức trong giai đoạn khó khăn này.