Toàn cảnh hội thảo |
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dự và chủ trì hội thảo. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử.
Trong lịch sử nước ta, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ lâu, nhưng chưa phải là quốc hiệu chính thức. Chính thức là phải đến năm Giáp Tý, ngày Đinh Sửu 17/2 (tức 28/3/1804), khi vua Gia Long làm lễ Khánh an kính cáo ở Thái miếu bên trong Hoàng thành đặt tên nước là Việt Nam. Trong lời chiếu, nhà vua khẳng định: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.
Dưới triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập kỷ qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, triều Nguyễn kết thúc. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho biết, có hơn 20 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu được ban tổ chức chọn in trong kỷ yếu. Các tham luận tập trung vào nghiên cứu quốc hiệu Việt Nam qua các tư liệu lịch sử cũng như sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ.