Làm việc cùng đoàn có UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao công tác thực hiện Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 của tỉnh

Các loại tội phạm được kiểm soát tốt

Thông tin tại buổi làm việc cho thấy, sau khi thực hiện Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015, công tác quản lý tạm giữ, tạm giam trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước đi vào nền nếp, thống nhất, nghiêm ngặt, không để xảy ra can phạm nhân đánh nhau, ốm đau suy kiệt sức khỏe dẫn đến tử vong, gây rối nơi giam giữ, tự sát, trốn, chết không rõ nguyên nhân tại các cơ sở giam giữ, phục vụ kịp thời công tác điều tra, truy tố, xét xử. Công tác tiếp nhận, phân loại và bố trí giam giữ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, các loại tội phạm tiếp tục được kiểm soát, không để nảy sinh đột biến, bất ngờ, không để tội phạm lộng hành, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình thiên tai, dịch bệnh, sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc của mạng viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ,… cùng hệ thống giao thông thuận tiện đã tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Các loại tội phạm về ma túy, cho vay nặng lãi, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng internet, mại dâm, cờ bạc, cố ý gây thương tích, cướp giật,.. lợi dụng tình hình, sự thuận tiện của internet, cơ sở hạ tầng phát triển để gia tăng hoạt động; xuất hiện tội phạm liên quan đến ma túy. 

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt, lấy lực lượng công an làm nòng cốt đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm, đặc biệt là đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm ma túy, với tinh thần là “không câu nhữ, nuôi lớn”.

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát cũng đã nêu ý kiến xung quanh công tác tạm giữ, tạm giam tại Thừa Thiên Huế. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ đánh giá, công tác tạm giữ, tạm giam tại tỉnh đã được tiến hành chặt chẽ; quyền của người tạm giữ, tạm giam cơ bản được đảm bảo. Các số liệu là minh chứng cho những kết quả đáng ghi nhận; đặc biệt là “5 không": Không có trường hợp bỏ trốn; không có trường hợp nào tạm giữ, tạm giam không có căn cứ; không có trường hợp nào phạm tội trong quá trình tạm giữ, tạm giam; không phát sinh khiếu nại, tố cáo; không phát sinh vi phạm…

Bà Thuỷ cũng đã đặt ra những yêu cầu, đề nghị các cơ quan liên quan cần làm rõ. Đó là việc cung cấp thêm các nội dung khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện đối với người bị tạm giữ, tạm giam dưới 18 tuổi; diện tích nằm, chế độ y tế, tiêu chuẩn ăn uống dành cho người bị tạm giữ, tạm giam...

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị các đơn vị liên quan cung cấp thêm thông tin về công tác cải tạo lao động dành cho người tạm giữ, tạm giam; xác định quy mô diện tích đất đai, không gian giáo dưỡng, hệ thống giám sát, quản lý ngưởi tạm giữ, tạm giam có đáp yêu cầu hay chưa?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nêu kiến nghị đến đoàn công tác 

Cần nguồn lực đầu tư, sửa chữa các trại tạm giam

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: Thực hiện Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015, tỉnh luôn được quan tâm, phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo việc triển khai luật một cách tốt nhất, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực tạm giữ, tạm giam. Các trường hợp bị tạm giữ, tạm giam luôn được đảm bảo an toàn và thực hiện đầy đủ quyền công dân… “Hiện nay, để đảm bảo an ninh trật tự, tỉnh tập trung trấn áp các loại tội phạm như, tội phạm hình sự, tội phạm ma tuý, tội phạm công nghệ cao”, ông Bình cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn nhất định. Điển hình như việc phần lớn cơ sở vật chất các nhà tạm giữ ở công an cấp huyện được xây dựng, sử dụng từ lâu, đã xuống cấp, thiếu các hạng mục, công trình phụ trợ nên chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý giam giữ. Nhiều thời điểm, đặc biệt là giai đoạn cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, có lúc quá tải. Biên chế và cán bộ được đào tạo Đại học Công an chuyên ngành còn hạn chế…

Thông qua làm việc, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Công an và một số cơ quan Trung ương tập trung nguồn lực đầu tư, sữa chữa, nâng cấp quy mô giam giữ các trại tạm giam, nhà tạm giữ nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác giam giữ trong thời gian tới. Quan tâm tăng cường biên chế cho lực lượng thi hành tạm giữ, tạm giam; đầu tư trang cấp máy móc, thiết bị công nghệ thông tin hiện đại phục vụ công tác giám sát, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam…

Buổi làm việc cũng đã ghi nhận ý kiến lãnh đạo Công an tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh nhằm làm rõ các vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát quan tâm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao việc triển khai Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 của tỉnh. Ông Cường cho rằng, trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam, các cơ quan liên quan cùng tỉnh cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn để đạt được hiệu quả cao nhất.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, ông Cường ghi nhận và cơ bản thống nhất, đồng thời sẽ tổng hợp chuyển kiến nghị đến các cơ quan liên quan.

L.THỌ