Các cựu chiến binh trở lại thăm sông Hai Nhánh

Một buổi sáng của tháng Ba lịch sử, trong tiết trời dịu mát, từ chân đập hồ Tả Trạch, đoàn chúng tôi theo thuyền ngược dòng Tả Trạch. Ngót nửa thế kỷ trôi qua, cảnh cũ khó mà nhận ra nhưng nhờ những ngọn núi vẫn còn sừng sững đứng đó nên chúng tôi định hình được những nơi mà mình đã đi qua, những vị trí mà cán bộ, chiến sĩ lập hậu cứ

Sông Hai Nhánh là nơi tiếp nhận nguồn nước từ sông Khe Tre và khe La Ma. Trước khi đổ về sông Tả Trạch, khe La Ma chia làm đôi dòng, dân gian lấy đặc điểm này để đặt tên sông là Hai Nhánh. Vì là nơi hẹp và cạn nhất nên trong chiến tranh, ta chọn vùng Hai Nhánh làm điểm vượt sông. Cán bộ, chiến sĩ từ hậu cứ về hoặc từ đồng bằng lên đều vượt qua quãng sông này. Vào mùa khô nước cao lắm chỉ ngang ngực, còn mùa mưa nếu không có phao và biết bơi thì khó mà vượt qua. Nhưng khi lội cũng phải dè chừng bởi chỉ cần ở Bạch Mã – Nam Đông có trộ mưa dông thì chỉ trong nháy mắt nước sông Hai Nhánh đột ngột dâng cao và cuồn cuộn chảy. Nhiều người hy sinh không phải vì bom đạn mà vì tai ương ập đến bất ngờ này!

Trên thực tế, điểm vượt sông Hai Nhánh đã xuất hiện từ những năm 1960, nhưng nó trở nên gắn bó với cán bộ, chiến sĩ là vì đến giữa năm 1968, khi các lực lượng của Đoàn 5 bị đánh bật ra đồng bằng đã chọn vùng núi rừng phía hữu sông Tả Trạch - nơi có “núi cao, hào sâu” che chắn để lập hậu cứ. Thành ủy Huế đóng ở khe Đầy, Thành đội Huế đóng ở động Mang Chang (còn có tên gọi khác là núi 815), Trạm xá Nam, các cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng ở vùng khe Rộng, khe Rùa, khe Xương Voi, khe B57…

Theo Đại đội phó Đại đội hành lang Hương Thủy Nguyễn Trung Kiên, cuối năm 1968, quân đội Mỹ đã chọn cồn nổi ở cuối sông Hai Nhánh để lập căn cứ 229, chủ yếu là dùng pháo để bắn phá khu vực xung quanh; đồng thời tung quân kiểm soát sông Hai Nhánh. Cuối năm 1969, sau trận tập kích của Đặc công có hỏa lực yễm trợ, quân đội Mỹ buộc phải rút. Do không thể dùng xe tăng và hành quân bằng đường bộ để vượt sông nên những năm sau đó, đối phương  chỉ tung biệt kích, thám báo và dùng máy bay trinh sát L.19, OV.10 chỉ điểm và sau khi phát hiện liền gọi pháo hoặc máy bay tấn công.

Cuối 1968 đến đầu những năm 1970 là thời kỳ cực kỳ đen tối. Ở đồng bằng sau những cuộc truy kích, đối phương tiến hành dồn dân vào các khu tập trung, tiến hành thanh lọc, ở vùng giáp ranh, chúng đổ quân chiếm nhiều ngọn đồi lập chốt, gài mìn, phục kích; còn phía rừng núi giáp với biên giới Lào, chúng huy động B52 đánh phá tuyến đường Hồ Chí Minh ngăn sự chi viện của miền Bắc. Đồng thời, tung lực lượng thiện chiến như Sư đoàn Dù 101 Mỹ và Sư đoàn I Bộ binh của quân đội Sài Gòn tảo thanh, triệt phá kho tàng của Quân giải phóng, chiếm các ngọn núi cao lập hàng loạt căn cứ quân sự, đẩy hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Huế rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Không chỉ thiếu vũ khí, thuốc men mà trầm trọng nhất là thiếu lương thực.

Do bị địch ngăn chặn, bao vây nên mỗi cơ quan, đơn vị bám trụ hậu cứ lúc này muốn đánh địch hay tìm về đồng bằng hoạt động gây dựng phong trào trước hết cái bụng cần phải no. Gạo, bắp, sắn khan hiếm nên các loại rau rừng như: môn thục, môn vót, móng trâu, ruột đoác hay rau tàu bay, lá sắn… trở thành nguồn thực phẩm chính. Vì suy dinh dưỡng trầm trọng nên hầu như người nào cũng ốm o, bủng beo và dù biết hiểm nguy luôn rình rập nhưng các cơ quan, đơn vị  buộc phải lập các đội tìm về đồng bằng thu mua gạo và nhu yếu phẩm.

Để có từng cùi gạo đưa lên hậu cứ, các đội quân này khi về hay lên đều phải qua sông Hai Nhánh. Phơi mình giữa dòng nếu bị phát hiện lập tức trực thăng vũ trang bay đến xã đạn hoặc từng loạt pháo ập xuống. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh ở quãng sông này.

Nguyên Trưởng ban Kinh tế kiêm Đường dây Hương Thủy (1968 - 1971) Phan Thanh Long cho biết: Cuối năm 1968, đơn vị ông từ đồng bằng Hưng - Hải cùi gạo khi cả đoàn đang vượt sông Hai Nhánh thì bị máy bay Mỹ ném bom làm 40 chị hy sinh, do bị nước cuốn trôi, không tìm được thi thể!

Ngoài mất mát lớn lao này, đến bây giờ ông Long vẫn còn ám ảnh cảnh gần 40 chị của Đội Kinh tế Hương Thủy năm 1970 bị “chôn sống” ở khu vực đồi nhà Xay do bị bom của máy bay rải thảm B.52 rơi trúng làm sập miệng hầm.

Dù vậy nhưng Đội Kinh tế Hương Thủy vẫn không chùn chân, vẫn tìm cách lọt về đồng bằng thu mua, cùi cõng từng cùi gạo để cung cấp cho hậu cứ. Riêng Thành đội Huế, nỗi đau chồng chất.

Tháng 8/1968 sau khi thoát khỏi cuộc bao vây kéo dài 4 ngày ở núi 815 Thành đội Huế phải chuyển quân đến nhiều nơi: Tà Rầu, khe Vàng, khe Rùa, khe Xương Voi… Vì bị thiếu đói nên Thành đội phải cử lực lượng tìm về đồng bằng thu mua lương thực.

Ở Hưng - Hải, Thành đội cắm Đại đội Nhật Lệ 12,7 ly của Quảng Bình tăng cường và  biến Đại đội hỏa lực này thành Đại đội hành lang bám dân để thu mua, đêm đêm Thành đội cử lực lượng về cùi cõng đưa lên hậu cứ.

Thời hậu cứ, Thành đội Huế đóng ở Khe Vàng, Ban 5 phải cử cán bộ, chiến sĩ về đồng bằng cùi gạo. Ông Mậu, trưởng ban cùng 6 chiến sĩ sau khi cùi gạo lên đang tranh thủ tắm ở sông Hai Nhánh thì cả 7 người đều hy sinh vì đạn pháo ập xuống.

Lần khác, mấy cán bộ, chiến sĩ của Thành đội Huế khi vượt sông Hai Nhánh để về đồng bằng thu mua gạo thì bị “dính” pháo chùm làm ông Chương - Trưởng ban 5, hy sinh! Ông Chương hy sinh, Thành đội Huế cử ông Hoàng Minh Đăng thay thế.

Sáng đó, từ đồng bằng lên, do nước từ khe La Ma đổ về làm cho nước sông Hai Nhánh đột ngột dâng cao nên họ dùng nylon đi mưa bọc các gùi gạo làm phao bơi.

Đang ở giữa dòng thì bất ngờ 3 chiếc trực thăng vũ trang ập đến, chúng thay nhau nhả đạn làm 23 cán bộ, chiến sĩ của Thành đội Huế hy sinh, nước cuốn trôi không tìm được thi thể!

Còn Huyện đội Hương Thủy, theo Đại đội phó Đại đội hành lang Nguyễn Trung Kiên, năm 1969 có một toán chừng mươi người khi đang vượt sông Hai Nhánh thì bị máy bay phản lực F4 bay đến thả bom làm tất cả hy sinh, trong đó có Trợ lý Dân quân Nguyễn Văn Long (quê Thủy Phương). Ngoài bị đạn bom, số cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì bị nước cuốn trôi ở sông Hai Nhánh khá nhiều.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn cho biết, thời đó ông là quân của Đại đội trưởng An ninh vũ trang Phạm Ngọc Nhánh có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Thành ủy Huế ở vùng khe Đầy.

Ông Hồ Xuân Mãn kể:

- Sáng đó, tổ chúng tôi gồm các anh: Hải, Tự, Xương và tôi từ đồng bằng cùi gạo lên. Đang nghỉ lấy lại sức thì có đoàn hơn mười chị nhập đoàn. Khi tất cả chuẩn bị vượt qua thì nước sông Hai Nhánh đột ngột dâng cao. Sợ thám báo, biệt kích bất ngờ tập kích, các chị lại không biết bơi nên anh Xương (quê huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ) xung phong cõng đưa từng chị qua sông. Vì là kiện tướng bơi lội của Công an vũ trang miền Bắc mới tăng cường cho Tiểu đoàn An ninh vũ trang Huế, nên anh Xương bơi rất giỏi.

Sau khi đưa tất cả 14 chị qua sông an toàn, đến khi quay lại bờ - nơi ba anh em chúng tôi đang đợi thì bất ngờ anh Xương bị nước cuốn trôi (có thể do kiệt sức bị vọp bẻ). Sau này chúng tôi được biết thi thể anh Xương trôi về Tân Ba, bà con mình đi củi phát hiện đem chôn ven bờ sông.

Cũng bị nước sông Hai Nhánh cuốn trôi nhưng ông Lê Thanh Chỉ (quê Phong Điền), Đội trưởng thu mua của Ban Kinh tế Thành ủy Huế thì may mắn hơn.

Ông Hồ Xuân Mãn cho biết, hôm đó anh Chỉ đang lội qua sông Hai Nhánh bất ngờ bị nước cuốn, may mà vớ được khúc gỗ nên ôm nó và trôi về đến tận Tân Ba, ba ngày sau anh Chỉ mới tìm đường trở về đơn vị.

Còn ông Hải (Phó Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, quê Thanh Hóa) lại không có may mắn như vậy. Ông Mãn cho biết, khi ông Hải cùng cần vụ của mình đang lội ở giữa dòng sông Hai Nhánh thì bất ngờ ông Hải bị sẩy chân, nước cuốn trôi không tìm thấy thi thể!

Trên đây chỉ là những trường hợp mà đồng đội biết, chứng kiến và kể lại. Dù nó chưa phản ảnh đầy đủ về những mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ ta khi vượt qua sông Hai Nhánh, nhưng chính nó cung cấp cho chúng ta cứ liệu quan trọng để tập hợp viết nên những trang sử hào hùng và bi hùng của cuộc kháng chiến vĩ đại nhất của dân tộc ta mà họ là những người tiên phong.

(còn nữa)

Kỳ 2: Tri Ân

Phạm Hữu Thu