Hội viên phụ nữ ủ phân vi sinh từ rác thải hữu cơ để bón cho cây trồng |
Thay đổi nhận thức
Tại các khu chung cư ở phường Hương Sơ, TP. Huế, những đống rác lưu cữu lâu ngày nay đã nhường chỗ cho những cây xanh, đường hoa. Những “điểm đen” về môi trường ở phường Phường Đúc cũng được loại bỏ, những con đường nay đã trở nên rộng, thoáng và sạch hơn... tạo nên những “Điểm xanh văn hóa”. Đó chính là thành quả của sự chung tay, góp sức của hội viên phụ nữ các địa phương.
Để tạo được sự lan tỏa, hiệu quả cao cho những “điểm xanh”, Hội LHPN thành phố đã xây dựng các cụm, mỗi cụm 5 đơn vị, cùng nhau chung tay xây dựng, thực hiện và duy trì các mô hình “Điểm xanh văn hóa” do cụm mình xây dựng.
Bà Đặng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế cho biết: Để mô hình phát huy hiệu quả, ngoài việc thực hiện các hoạt động tổng dọn vệ sinh, trồng cây, trồng hoa tạo bóng mát, lắp đặt ghế đá... các cơ sở Hội LHPN trong các cụm đã và đang phối hợp với chính quyền, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVMT, chăm sóc cây xanh, xây dựng ý thức công cộng.
Vừa gói bó hoa, trao tay cho người mua, một người phụ nữ bán hoa ở cổng chợ Nam Phổ, Phú Thượng, TP. Huế đang định tiện tay vứt rác thừa xuống kênh. Thấy vậy, chị bán rau củ kế bên nhanh nhảu: “Ơ, sao lại vứt rác bừa bãi vậy? Đằng kia có thùng rác mà, bán xong gom lại bỏ một lần luôn. Em không thấy bờ kênh nay sạch đẹp, hết mùi hôi rồi đó sao”. “Em quên mất. Cảm ơn chị đã nhắc”, chị bán hoa vui vẻ đáp lời.
Trước đây, bờ kênh Nam Phổ đoạn gần chợ lúc nào cũng đầy ắp rác thải từ chợ. Dù các đoàn thể, nhân viên vệ sinh dọn dẹp thường xuyên, nhưng vì cứ “tiện” nên các chị tiểu thương lại xả rác bừa bãi xuống kênh. Nhưng từ khi Hội LHPN phường tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, hội viên tham gia buôn bán ở chợ đã ý thức hơn trong việc góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. “Mưa dầm thấm lâu”, chính những hội viên có ý thức nhắc nhở những hội viên khác, vậy là nạn vứt rác bừa bãi hầu như đã được chấm dứt.
Chị Kim Anh, một tiểu thương ở chợ Nam Phổ cho biết: Được tuyên truyền, nhắc nhở nên chúng tôi cũng ý thức hơn trong việc BVMT, giữ gìn vệ sinh chung. Nếu trước đây cứ ỷ lại việc dọn vệ sinh là của nhân viên vệ sinh, thì nay, hầu như các chị em buôn bán ở chợ chấp hành nghiêm việc vứt rác đúng chỗ, phân loại rác, nhất là rác thải tái chế để chung tay gây quỹ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo.
Về Quảng Phú, Quảng Điền chạy trên những con đường bê tông các thôn Nghĩa Lộ, Bao La - Đức Nhuận... sạch đẹp, không chỉ ấn tượng bởi những cánh đồng lúa đang mùa trổ bông mà hai bên đường là cây xanh mát mắt, hoa huỳnh liên, hoa giấy đua nhau khoe sắc.
Để có được những con đường hoa xinh xắn, tuyến đường bê tông sạch sẽ, hội viên phụ nữ xã đã dày công chăm sóc, vun xới và dọn vệ sinh.
Tự hào khoe cổng nhà đầy hoa, đường trước mặt sạch đẹp, chị Trần Thị Tuyết, thôn Nghĩa Lộ, xã Quảng Phú cho biết: Giờ đây đã thành nếp, cứ ngày thực hiện phong trào “Chủ nhật xanh” của tháng, dù bận tới đâu, chị em chúng tôi cũng thu xếp thời gian để tham gia dọn vệ sinh cùng chi hội. Không chỉ đợi Chủ nhật, mà đi đường thấy rác là chị em chúng tôi đều tự giác nhặt bỏ vào thùng rác. Đường hoa đi qua trước mặt nhà ai là nhà đó chủ động tưới tắm, chăm sóc. Mỗi người góp một tay, có ý thức BVMT thì cuộc sống của chúng ta sẽ thêm “xanh”.
Tặng quà cho phụ nữ nghèo từ các nguồn quỹ của mô hình “Biến rác thành tiền”... |
“Nâng tầm” ý nghĩa của lối sống xanh
Đã trở thành nếp, cứ cuối ngày là chị Phan Thị Châu (TDP Phụ Ổ 1, phường Hương Chữ, TX. Hương Trà) lại dành một ít thời gian để phân từng loại rác thải sinh hoạt trong gia đình. Với những thức ăn thừa, phế phẩm rau xanh... chị dùng để ủ phân vi sinh theo hướng dẫn của Hội LHPN phường, còn vỏ chai thủy tinh, lon bia, nước ngọt… chị cho vào một túi riêng, để gom lại cuối tuần góp vào ngôi nhà xanh của chi hội, gây quỹ tặng học sinh nghèo. Chị Châu cho biết, không chỉ riêng chị mà các các hội viên trong chi hội ở đây đều có ý thức phân loại rác tại nguồn. Từ ngày thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, lượng rác thải đổ ra môi trường ít hẳn và không còn tình trạng lãng phí rác thải có thể tái chế.
Khu vườn rau của chị Phan Thị Quả (hội viên Chi hội Phụ Ổ 1) bốn mùa rau trái xum xuê, xanh mướt, không chỉ giúp gia đình chị có rau sạch ăn mỗi ngày mà giúp không gian sống của gia đình cũng luôn tươi mát. Để có được khu vườn như thế, chị Quả đã tận dụng các loại phế phẩm từ rau xanh để ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn rau, củ quả. “Việc phân loại rác tại nguồn, tận dụng rác thải hữu cơ không những giúp không gian sống luôn sạch sẽ, gọn gàng mà giúp gia đình tiết kiệm một số tiền không nhỏ khi mua phân hóa học bón cho rau, cây trồng. Đất vườn cũng được tươi xốp hơn, năng suất cây trồng cũng tăng đáng kể”, bà Quả bộc bạch.
Không những cùng chung tay hưởng ứng phong trào “Chủ nhật xanh” hình thành lối sống xanh trong từng hội viên, mà nhiều mô hình giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, như xây dựng những “Ngôi nhà xanh, biến rác thành tiền”, Đổi rác lấy quà, Điểm xanh văn hóa... gây quỹ lấy tiền giúp đỡ hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng ngàn trẻ em nghèo được nhận đỡ đầu, hỗ trợ học bổng, tặng quà; hàng ngàn phụ nữ nghèo, “địa chỉ đỏ” được quan tâm, giúp đỡ... nhờ sự chung tay, góp sức của các hội viên phụ nữ. Sự góp sức đó, khởi đầu từ những hành động nhỏ là gom góp những vỏ lon, chai thủy tinh, tấm giấy loại... để “góp gió thành bão”, đổi lại những bì gạo, chai dầu, tiền mặt... trao đến cho phụ nữ, trẻ em nghèo.
Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Quá trình phát động, thực hiện các mô hình hưởng ứng phong trào “Chủ nhật xanh” cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp hội nên hội viên phụ nữ đã hưởng ứng và tích cực tham gia. Nhất là khi đã hiểu được ý nghĩa của từng mô hình, hội viên đã dần thay đổi nhận thức, tạo cho mình lối sống xanh, nâng cao ý thức BVMT. Và khi lối sống xanh của mỗi hội viên phụ nữ còn mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng thì không chỉ là hội viên phụ nữ mà đã tạo sức lan tỏa thu hút những thành viên trong gia đình, cộng đồng dân cư cùng tham gia, hưởng ứng. Hiện, các cấp cơ sở hội đã và đang thực hiện có hiệu quả gần: 400 mô hình “Phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa (IMO)”; 520 mô hình “Biến rác thành tiền”, trồng, chăm sóc hơn 100 tuyến đường hoa, gần 40 ngàn cây xanh, hoa các loại tại các điểm công cộng...