A Kiêng Thị Hới cùng mẹ chồng trước căn nhà mới xây

Trang đời mới

Quảng Nhâm là xã có hơn 80 người Lào được nhập quốc tịch, đứng đầu huyện A Lưới. Do địa hình giáp với nước bạn nên có thôn bản, cư dân Lào qua sinh sống định cư chiếm 1/4 tổng số hộ dân.

Nằm trên con đường vào thôn Âr - Bả Nhâm (Quảng Nhâm, A Lưới), ngôi nhà của vợ chồng Hồ Văn Mo - A Kiêng Thị Hới khá nổi bật bởi màu gạch men ốp sáng mới trong nắng. Anh Mo theo cha mẹ từ Ka Lừm, Sê Kông, Lào di cư sang Quảng Nhâm từ năm 1997. Đến năm 2014, anh lập gia đình với chị Hới và qua Lào làm lễ cưới theo phong tục. Đôi vợ chồng này có tiếng là siêng năng, chăm chỉ; ngoài lo nương rẫy anh chị còn trồng rừng, trồng sắn. Qua thời gian tích cóp cộng với nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm, anh chị vừa hoàn thành căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Hỏi chuyện làm ăn, chị Hới bẽn lẽn: “Nhà mình cũng được tạo điều kiện vay vốn sản xuất. Chồng mình đều đặn bám rẫy, bám rừng từ sáng đến tối. Anh ấy lanh lợi, rành tiếng Kinh nên việc giao dịch, trao đổi cũng thuận lợi hơn người khác”.

Bà Kăn Mo, mẹ chồng chị Hới nhớ lại những tháng ngày di cư vất vả. Thời gian đầu thiếu thốn đủ thứ, đất ít, gạo phải mượn người ta. Vợ chồng bà có 6 người con, sau Mo còn 3 đứa em gái về học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Trong nhà bà vẫn còn giữ những kỷ vật mang từ quê nhà sang như tấm váy, chiếc lược. “Lâu rồi không về Lào cũng nhớ lắm. Nhưng ở đây giờ có điện nước đầy đủ, đường sá thuận tiện, thích nhất là được đi chợ sắm tết, hưởng cái không khí vui vẻ, đông đúc như lễ hội”.

Nói về cư dân xứ sở hoa Chăm pa “bén duyên” vùng này, mọi người đều nhắc đến anh A Kiêng Sin. Từ Ka Lừm, Se Kông, anh Sin theo ba mẹ qua A Lưới định cư đã lâu. Hiện, anh đã lập gia đình riêng và có hai con, con gái lớn đang học phổ thông trung học. Ngoài làm nương rẫy, anh còn có tài sửa các loại xe máy dù không qua trường lớp đào tạo nào. Anh khoe: “Mình xem các bộ phận trong xe hoạt động rồi mày mò lắp ráp. Nhà không treo bảng gì cả nhưng người dân biết tiếng rồi đem xe đến nhờ sửa. Có khi họ mang cả ti vi bị hỏng đến. Nhờ vậy, mình kiếm thêm chút tiền trang trải chi phí cho gia đình”.

Trưởng thôn Âr - Bả Nhâm, chị Hồ Thị Hè thông tin: “Toàn thôn có gần 40 hộ người Lào/tổng số 160 hộ dân. Người Lào chịu thương chịu khó, siêng năng, chăm chỉ và tham gia đều đặn các hoạt động, phong trào địa phương. Trong số này có anh A Kiêng Sê, một thanh niên trẻ được tín nhiệm làm cán bộ cụm dân cư. Thực hiện chế độ chính sách Nhà nước ban hành, bà con ở đây đều có trách nhiệm và quyền lợi như nhau”.

Cán bộ thôn Âr - Bả Nhâm thăm, tặng quà một hộ người Lào 

Quan tâm, tạo điều kiện tối đa

Người Lào di cư qua A Lưới tập trung phần lớn ở Quảng Nhâm, Hồng Vân, A Roàng, A Ngo. Ông Hồ Viết Rưng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm đánh giá, người dân Lào sau nhập tịch hòa nhập với phong tục tập quán địa phương thuận tiện vì hầu hết họ là người Tà Ôi. Một số người thích ứng nhanh với nghề làm nông, lưới cá, giỏi việc buôn bán chợ búa nên đời sống khá hơn. “Chính quyền địa phương rất quan tâm đến các hộ dân này, nhất là trong tạo điều kiện làm giấy tờ tùy thân, học nghề, vay vốn tạo công ăn việc làm. Đơn cử như chị Hồ Thị Nos. Năm 2019, sau khi nhận quyết định nhập quốc tịch, chính quyền địa phương đã hỗ trợ chị làm các giấy tờ cá nhân liên quan. Chị Nos còn học nghề dệt dèng thành thạo và làm ra những sản phẩm kiếm thêm thu nhập cho gia đình”, ông Rưng nói thêm.

Trong khi đó, tại xã A Ngo có 19 hộ, 32 nhân khẩu từ Lào di cư sang đã nhập tịch, chủ yếu là độ tuổi thanh niên theo vợ nhập tịch hoặc theo chồng nhập tịch. Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho hay: “Đến nay, 19/19 hộ người Lào nhập tịch trên địa bàn xã đều được tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình, dự án: Chương trình 134, Chương trình 167, Chương trình Mục tiêu Quốc gia hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 90, Quyết định 1719 cùng nhiều chế độ chính sách khác. Từ đó, đời sống của người dân nhập tịch ngày càng được một cải thiện. Ước tính tổng thu nhập bình quân đầu người đến nay khoảng trên 37 triệu đồng/người/năm”.

Dẫn chứng cho sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, cán bộ tư pháp xã A Ngo dẫn chúng tôi đến thăm nhà chị Hồ Thị Nhu ở thôn Bình Sơn, một hộ dân từ Salavan di cư sang năm 2013. Chồng mất, mấy mẹ con chị tá túc trên đất người quen. Năm 2019, gia đình chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và tổ chức PHUC’s Fond hỗ trợ xây căn nhà nhỏ. Trước đó, xét hoàn cảnh gia đình, chính quyền địa phương cấp mảnh đất để mẹ con chị có mái ấm che nắng tránh mưa. Hỏi thông tin cá nhân, chị Nhu mang thẻ căn cước quốc tịch Việt Nam ra khoe. Giờ ba đứa con chị đi may ở trong Nam, dù kinh tế chưa khá giả song mẹ con chị đã có nơi an cư ổn định.

Theo “Thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới” giữa Chính phủ Việt Nam và Lào, Thừa Thiên Huế phối hợp với các tỉnh biên giới thuộc nước bạn rà soát thông tin, thực hiện các thủ tục pháp lý để nhiều người Lào sống tại A Lưới được nhập quốc tịch Việt Nam. Theo Phòng Tư pháp A Lưới, đến nay, có khoảng 164 trường hợp được nhập quốc tịch theo Quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Các trường hợp này sinh sống ổn định, con cái được đến trường 100%. Sau khi nhập quốc tịch Việt Nam, người dân được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, cây và con giống, thẻ bảo hiểm y tế… theo chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

Với nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho những công dân của nước bạn Lào sớm hòa nhập trên vùng đất mới. Trong câu chuyện nghĩ về tương lai sau định cư, nhập tịch, bà Kăn Mo bảo rằng, con cái mình được ăn học đến nơi đến chốn, nhận hỗ trợ từ chính quyền các cấp là một điều may mắn. Hy vọng sau này các cháu có kiến thức để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống tốt đẹp. Có lẽ, đó không chỉ là suy nghĩ cá nhân của một người mẹ mà còn là ước muốn của bao nhiêu người cùng cảnh như bà Mo, sau “bén rễ” là một ngày mai “đơm hoa, kết trái” ngọt lành.

Tuệ Linh