Cảnh quan đẹp là lợi thế thu hút khách đến Huế |
Lấy lại thị phần
Đầu tháng 4/2024, khi đọc thống kê lượng khách du lịch đến Huế, nhiều người tỏ ra bất ngờ với chuyện lạ khách quốc tế đến Huế nhiều hơn khách nội địa. Trong quý I/2024, lượng khách đến với Huế ước đạt 892 nghìn lượt, tăng 41% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 447 nghìn lượt (tăng 74,6%). Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế ghi nhận lượt khách quốc tế đến tham quan nhiều hơn khách nội địa (hơn 2 nghìn lượt). Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.711 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Nói là chuyện lạ bởi thực tế chung đối với du lịch Việt Nam, khách nội địa luôn lớn hơn nhiều lần so với khách quốc tế, trong đó du lịch Huế thường thu hút 60-70% khách nội địa. Sự tăng trưởng mạnh này được lý giải không phải lượng khách nội địa sụt giảm, mà đáng mừng là khách quốc tế đã tìm đến Huế nhiều hơn.
Top 10 thị trường khách hàng đầu đến Huế cũng có những sự chuyển dịch rất tích cực. Bên cạnh những thị trường khách truyền thống, như Hàn Quốc, Pháp, Anh, Đức, Malaysia, Thái Lan, Ý, Đài Loan… thì khách Mỹ đến Huế thời gian gần đây rất lớn. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch chia sẻ, thị trường khách Mỹ là dòng khách khá sang trọng, khả năng chi tiêu cho du lịch lớn. Việc thu hút lượng lớn các dòng khách sẵn sàng chi tiêu cho du lịch sẽ đóng góp không nhỏ vào doanh thu phát triển du lịch.
Huế đang lấy lại thị phần khách quốc tế, trong đó, bên cạnh thị trường khách đến từ Mỹ, du lịch Cố đô đang tập trung tiếp cận và thúc đẩy tăng trưởng mạnh các dòng khách đến từ Đài Loan và Úc thông các chiến lược xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch của Huế. Sau những chu kỳ phát triển gắn với nhiều biến động về lượng khách, hiện khách Đài Loan, Úc và cả Hàn Quốc đang quay trở lại Huế nhiều hơn.
Nối tiếp với mùa cao điểm khách quốc tế, du lịch Huế sắp bước vào mùa sôi động khách du lịch nội địa, trong đó cột mốc đầu tiên có thể đánh dấu sức hút mạnh mẽ lượng khách đến Huế mùa cao điểm du lịch là dịp lễ 30/4 - 1/5. Trước giai đoạn dịp nghỉ lễ 5 ngày, tin vui từ các cơ sở lưu trú là lượng khách đặt phòng ở nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú gần như lấp đầy. Các doanh nghiệp lữ hành cũng thu hút rất đông du khách lựa chọn các tour tuyến ở Huế, hứa hẹn du lịch Huế sẽ “bùng nổ” về lượng khách.
Mới đây, nền tảng du lịch trực tuyến Agoda vừa công bố 8 điểm đến có giá phòng trung bình thấp nhất, trong bối cảnh nhiều người dân châu Á đang háo hức chào đón các kỳ nghỉ lễ sắp tới. Với giá phòng trung bình 43 USD, Huế xếp thứ ba trong 8 thành phố có giá phòng khách sạn tốt nhất châu Á tháng 4 và 5, thời điểm các quốc gia có nhiều lễ hội và kỳ nghỉ. Công bố của Agoda cũng là gợi ý vô cùng hấp dẫn để khách tìm đến Huế, không chỉ trong các dịp nghỉ lễ. Đây cũng là cơ hội để du lịch Huế “giành” thị phần, tăng trưởng lượng khách.
Chạm những cột mốc mới
Sau giai đoạn dịch COVID-19 khiến du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng, du lịch Huế đang tìm cách tăng trưởng mạnh mẽ với việc đặt ra những cột mốc và giải pháp để đạt được. Cột mốc chính cho du lịch Huế năm 2024 là đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%; tổng thu từ du lịch khoảng 7.500-8.000 tỷ đồng.
Du lịch Huế đang có thiên thời, địa lợi, nhân hòa khi tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng du lịch đa dạng là không thể bàn cãi. Những năm gần đây, bên cạnh các giải thưởng quốc tế về du lịch, thì dường như báo giới quốc tế và các tổ chức du lịch uy tín hàng đầu thế giới cũng đang đánh giá cao và ủng hộ cho du lịch Cố đô của Việt Nam với những xếp hạng, đánh giá, gợi ý hướng khách tìm về mảnh đất sông Hương núi Ngự. Nếu như cuối năm ngoái, tạp chí du lịch nổi tiếng Travel+Leisure đã đề xuất Huế là một trong những điểm đến ở châu Á mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình du lịch năm 2024 thì mới đây, Time Out - tạp chí du lịch hàng đầu nước Anh vừa xếp Việt Nam vào top 9 điểm đến an toàn nhất trên thế giới với khách nữ du lịch một mình.
Thông thường, với khách quốc tế, những đánh giá, gợi ý từ các tổ chức uy tín sẽ là cơ sở quan trọng để họ đưa ra quyết định trên hành trình du lịch. Huế đã có các dòng khách truyền thống và chủ lực của Huế là Tây Âu và Đông Bắc Á. Cơ hội từ những thông tin truyền thông uy tín ấy sẽ tạo sức hấp dẫn để thêm các dòng khách đến với Huế.
Bên cạnh những cơ hội và lợi thế, sự chủ động của địa phương và ngành du lịch vẫn là yếu tố cốt lõi. Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc đánh giá, trong bối cảnh du lịch đang cạnh tranh gay gắt về lượng khách, yếu tố sản phẩm đặc biệt quan trọng. Huế đang có rất nhiều tour tuyến, sản phẩm gắn với tài nguyên du lịch, nhưng để hút khách, ngành du lịch, cộng đồng doanh nghiệp vẫn sẽ không ngừng nghiên cứu, đầu tư, hoàn thiện sản phẩm, tạo các sản phẩm cho từng thị trường khách, các sản phẩm đặc trưng, có sức hút lớn. Chính quyền địa phương và ngành du lịch cũng sẽ nỗ lực kêu gọi, thu hút đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, nhất là các trung tâm mua sắm đẳng cấp, dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm.
Ông Trương Thành Minh cho biết, năm 2024, với vai trò là Trưởng nhóm liên kết phát triển du lịch 5 địa phương: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Bình - Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất triển khai công tác liên kết với một số tỉnh/thành phố, vùng trọng điểm trên cả nước và tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch vùng trong năm 2024; nâng cao hiệu quả liên kết của 5 địa phương trong công tác quảng bá đến các tỉnh, thành trên cả nước như tham gia một số hội chợ du lịch thường niên nổi bật; tổ chức chương trình kích cầu tại các thành phố lớn và phối hợp đón các đoàn famtrip, presstrip trong nước đến khảo sát, viết bài. Bên cạnh đó sẽ tham gia các hội chợ du lịch, kết nối các đối tác quốc tế để hợp tác, chuyển tải thông tin các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn đến với du khách.