Ra quân tái tạo nguồn lợi thủy sản trên đầm phá |
Thời gian gần đây, các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ đã áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó tín chỉ carbon được xem như “giấy thông hành” để hàng hóa thâm nhập vào các thị trường này. Có 2 giải pháp chính giúp DN có tín chỉ carbon là sử dụng thiết bị, công nghệ để giảm chất thải các loại và trồng cây, trồng rừng để được quy đổi tỷ lệ phát thải.
Một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cho rằng, DN muốn giảm phát thải từ quá trình sản xuất phải biết được đơn vị đang phát thải bao nhiêu. Để biết được điều đó thì phải đo kiểm carbon phát ra, đặt ra lộ trình giảm phát thải, cân đối chi phí đầu tư cho giảm phát thải và vạch ra kế hoạch thực hiện.
Các giải pháp DN có thể giảm phát thải ngay trong quá trình sản xuất là tối ưu hóa quy trình hoặc vận hành để giảm tiêu thụ tài nguyên và năng lượng; đầu tư kinh phí vào nghiên cứu, phát triển thiết bị, công nghệ mới; chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng low-carbon (carbon thấp)…
Hiện nay, không ít DN đã, đang có các giải pháp giảm phát thải, như: tiết kiệm năng lượng và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng tuần hoàn nước thải; tái sử dụng chất thải không nguy hại vào các mục đích; tham gia trồng cây, trồng rừng… Những việc làm này đều có thể quy đổi ra tín chỉ carbon để xuất khẩu hàng hóa, đổi lấy quyền phát thải. Thế nhưng chưa nhiều DN đạt được mục tiêu này.
Nguyên nhân một phần do các quy định, quy chuẩn về tái chế, tái sử dụng chất thải chưa rõ ràng. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể việc đo kiểm, báo cáo và thẩm định giảm phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực phát thải nhiều nhất là điện năng nhưng phát triển các nguồn điện tái tạo lại khó khăn. Chưa có cơ chế trao đổi tín chỉ carbon...
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), để đạt mục tiêu giảm thiểu khí carbon trên địa bàn phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các đối tượng, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng phát thải khí nhà kính lớn. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, như chuyên gia, cán bộ kỹ thuật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…
Việc hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong nước, Sở TN&MT đề nghị Chính phủ sớm ban hành các nguyên tắc sử dụng, giao dịch, cũng như đối tượng được phép tham gia giao dịch tín chỉ carbon. Ban hành các quy định về xây dựng định mức, định giá phù hợp cho mỗi đơn vị tín chỉ carbon. Trên cơ sở đó, Sở sẽ đẩy mạnh kiểm kê phát thải, đánh giá khả năng “sản xuất” tín chỉ carbon của DN nhằm tạo điều kiện có “hàng hóa” cho thị trường giao dịch vận hành.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế xem tăng trưởng xanh là mục tiêu phát triển bền vững ở địa phương và có ý nghĩa lớn với sự phát triển của các DN. Phát biểu trên các hội nghị, diễn đàn xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, lãnh đạo tỉnh đã khuyến khích, ưu tiên các nhà đầu tư, dự án xanh; đồng thời cam kết đồng hành với các DN trên con đường giảm phát thải, quan tâm đến tín chỉ carbon…