Hội đồng GDNN góp phần quan trọng trong việc đào tạo và phát triển chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp |
Thiếu liên kết
Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển là trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của quốc gia và khu vực theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đến nay chất lượng LĐ có việc làm, nhất là LĐ có tay nghề, trình độ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với những lợi thế của địa phương trong công tác đào tạo cũng như tương hợp với kỳ vọng của tỉnh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng khả năng thu hút, xúc tiến đầu tư trên địa bàn.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ LĐ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo của tỉnh chỉ đạt 22,7%, gần bằng mức trung bình chung của cả nước (23,03%), tương đương với các tỉnh lân cận là Quảng Bình, Quảng Trị (21,7% và 23%), thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng (44,6%).
Kết quả đánh giá năm 2022 của VCCI, chỉ số đào tạo LĐ của Thừa Thiên Huế đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, trong công tác tuyển dụng LĐ tại doanh nghiệp (DN), chỉ có 61% DN đánh giá việc tuyển dụng LĐ phổ thông tại tỉnh là dễ dàng; tỷ lệ DN đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật dễ dàng là 31%.
Trước thực trạng về cung - cầu LĐ, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay đòi hỏi cần cơ chế gắn kết giữa nhà quản lý, nhà trường và DN trong GDNN, giữa bên cung và bên cầu về thị trường LĐ. Trong đó cần thiết nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và trong nước về vai trò, lợi ích, quyền và trách nhiệm của các bên trong phát triển GDNN giúp đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất LĐ và tăng năng lực cạnh tranh cho tỉnh và đóng góp cho quốc gia trong tình hình mới.
Thực tế, cơ chế phối hợp giữa các đối tác trong GDNN vẫn chưa hoàn thiện, còn thiếu cơ chế, chính sách gắn kết nhà trường và DN. Ngoài ra, hợp tác giữa DN và cơ sở GDNN chưa cao… Việc thiếu hụt thông tin thị trường LĐ chính xác và tin cậy là nguyên nhân chính dẫn đến việc các cơ sở GDNN vẫn chưa đào tạo sát với nhu cầu DN. Cùng với đó là việc phân cấp quản lý đối với các cơ sở GDNN với nhiều đầu mối chủ quản như: đoàn thể, UBND tỉnh, UBND cấp huyện, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH... gây khó khăn trong việc thực hiện sắp xếp và đầu tư cho các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
Khắc phục “độ vênh” giữa nhà trường và doanh nghiệp
Làm thế nào để có cơ chế phối hợp, hỗ trợ người học, các cơ sở GDNN trong phân luồng từ đầu vào đến tạo công ăn việc làm ở đầu ra về chương trình và thời gian đào tạo tại các cơ sở GDNN; chất lượng kỹ năng nghề và số lượng LĐ tiệm cận với nhu cầu của DN, đồng thời có thể tổng hợp và đưa ra các kế hoạch thực tiễn giúp tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách GDNN, hay cung cấp thông tin thị trường LĐ. Đây chính là vai trò và chức năng mà Hội đồng GDNN cấp tỉnh có thể hỗ trợ.
Với vai trò là đơn vị gắn kết giữa 3 nhà: “Nhà nước - Nhà trường - nhà DN”, Hội đồng GDNN sẽ đảm bảo các chương trình đào tạo được thiết kế chuyên sâu và linh hoạt, dựa trên sự chia sẻ từ DN về nhu cầu thực tế, khả năng đào tạo của nhà trường và mức độ sẵn sàng đáp ứng của sinh viên, học viên.
Hội đồng GDNN còn góp phần quan trọng trong việc đào tạo và phát triển chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế của DN; là cầu nối, cung cấp thông tin và dữ liệu chính xác về thị trường LĐ, qua đó DN có thể tham gia và đóng góp cho việc xây dựng các chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu, đánh giá và tuyển dụng lực lượng LĐ chất lượng cao, tạo ra môi trường thuận lợi, hiệu quả khích lệ hợp tác với nhiều bên, đặc biệt với các cơ sở GDNN để đẩy mạnh các giải pháp đào tạo và phát triển kỹ năng…
Việc gắn kết chặt chẽ giữa 3 nhà trong hoạt động GDNN là hướng đi tất yếu để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Trong đó, tạo sự kết nối giữa 3 nhà một cách chính thống thông qua Hội đồng GDNN, đây là chìa khóa để xây dựng một hệ thống GDNN đáp ứng nhu cầu thực tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Đồng thời, cam kết và hợp tác chặt chẽ từ tất cả các bên là vô cùng quan trọng để đạt được mục tiêu sau cùng là nâng cao tỷ lệ người có việc làm và chất lượng LĐ ngày càng đáp ứng được nhu cầu của hầu hết các DN trong và ngoài nước.