Người dân mua sắm trong một siêu thị ở thành phố San Mateo, tiểu bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Đây là kết quả được đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế được Reuters thực hiện từ ngày 27/3 - 25/4.

Sự thay đổi trong triển vọng tăng trưởng đó mang đến những thách thức riêng cho các ngân hàng trung ương, vốn đã tăng lãi suất liên tiếp để cố gắng đẩy lạm phát xuống mức mục tiêu, nhưng giờ đây có thể phải chờ đợi lâu hơn nữa trước khi xem xét cắt giảm lãi suất.

Trong số các nền kinh tế lớn hơn, Mỹ và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều nhất vào sự phục hồi trong tăng trưởng, theo cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện trên 500 nhà kinh tế tại 48 nền kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 2,9% trong năm nay, nhanh hơn so với mức 2,6% trong cuộc thăm dò trước đó hồi tháng 1 vừa qua, tiếp theo là 3% vào năm 2025. Trong đó, 60% các nhà kinh tế cho biết, nền kinh tế toàn cầu năm nay có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng.

Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Tập đoàn tài chính Citi nhận định: “Chúng tôi tiếp tục ngạc nhiên trước khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Một phần lý do là chúng tôi đã bước vào năm nay với những kỳ vọng thấp hơn, và chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ có sự giảm tốc trong năm 2024”.

“Cho đến nay, chúng tôi đã ghi nhận sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu ở một số nơi, bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, cũng như khu vực châu Âu ở một mức độ nào đó. Vì vậy, sự tăng trưởng có vẻ vững chắc”, ông Nathan Sheets nói thêm.

Mặt khác, tăng trưởng mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ giữ lạm phát và lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Hơn 3/4 số ngân hàng trung ương, tương đương với 16 trong số 21 ngân hàng trung ương được khảo sát dự kiến vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát trên mức mục tiêu vào cuối năm nay, tăng từ mức 10 ngân hàng trong cuộc thăm dò hàng quý vào tháng 1.

Các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn sẽ cắt giảm lãi suất trong quý này hoặc quý tiếp theo, nhìn chung phù hợp với giá cả thị trường tài chính. Tuy nhiên, hầu hết hiện nay đều dự báo sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn vào cuối năm, do lạm phát vẫn ở mức cao. 

Cũng theo cuộc thăm dò nói trên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và một lần nữa vào quý IV năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 6, sau đó là 2 lần nữa vào nửa cuối năm nay, với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng trong khối tiền tệ này, với mức dự báo chỉ tăng trưởng trung bình 0,5% trong năm 2024.

THANH NGÂN (Lược dịch từ Reuters & CNA)