Tưởng nhớ và biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, để bảo vệ đến cùng chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Hoàng Nguyên |
Trước khi đến đảo An Bang, cuộc họp giữa đoàn công tác Vùng 4 Hải quân với các phóng viên, do Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Phó trưởng đoàn công tác (đi trên con tàu 651) chủ trì, khá căng, trước thông tin đưa ra: chỉ có thể 1/3 số lượng phóng viên trong đoàn được lên đảo. An Bang là hòn đảo quanh năm bốn bề sóng dữ, dội từ thềm san hô nhọn hoắt. Công tác ra, vào đảo rất gian nan, đặc biệt nguy hiểm khi thời tiết xấu.
Trong buổi gặp mặt trước chuyến hành quân cùng các đoàn công tác Vùng 4 Hải quân (trên 2 con tàu 561 và 571) ra thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa, nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gần 100 phóng viên báo, đài từ mọi miền đất nước, ngoài những gửi trao, cũng được nghe dặn dò đang mùa sóng to gió lớn.
Thả Quốc kỳ trên sóng Trường Sa để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hoàng Nguyên |
Từ cảng Cam Ranh đến đảo Trường Sa, chúng tôi đã trải nghiệm sóng gió, nhưng đó cũng chỉ là những cơn say vật vã. Bây giờ, để cập An Bang và những đảo khác dọc theo hải trình, tàu 561 phải hạ ca nô, xuồng nhỏ, đưa người và hàng hóa vào. Những chiếc xuồng như “chiếc lá”, quá chừng mong manh, nhỏ bé giữa muôn trùng sóng, nhiều lúc bị những cơn sóng lớn trùm qua, đối mặt hiểm nguy.
Thượng tá Dương Chí Nguyện nói rằng, với kiến thức, kinh nghiệm dày dặn trên biển, những người lính hải quân sẽ tính toán sóng gió, thủy triều thật chính xác, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phóng viên. Trường hợp sóng gió nguy hiểm quá, phóng viên có thể ở lại tàu. Riêng các anh, vẫn đi về phía đồng đội. Những người lính nơi đầu sóng luôn kiên định sắt đá, với ý chí sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, rất tự nhiên, không lo lắng, tính toán. “Bởi vì chúng tôi coi đó là lẽ thường, như tất nhiên phải vậy. Như tấm gương của những thế hệ cha anh, đã hy sinh xương máu để giữ biển, giữ đảo” - trong mắt của người lính 30 tuổi quân, là nỗi xúc động lắng sâu.
Giây phút bịn rịn chia tay giữa biển trời của Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Nguyên |
Nhớ trên cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) trước giờ xuất phát, nỗi xúc động sâu thẳm tâm can, khi cán bộ, chiến sĩ nâng niu chuyển hoa tươi lên tàu 571 - con tàu sẽ đến với tuyến đảo, trong đó có những hòn đảo mà cái tên đã khắc sâu trong trái tim triệu triệu người. Bởi máu của những người lính đã đổ; 64 trái tim quả cảm đã dừng nhịp đập khát khao ngay giữa mùa xuân cuộc đời, để bảo vệ từng hòn đảo, từng tấc biển của Tổ quốc, trong trận chiến Gạc Ma bi hùng năm 1988, chống quân xâm lược. Anh linh của 64 anh hùng liệt sĩ, mãi mãi hào hùng trên sóng Trường Sa.
Những cuộc kết nối, chia sẻ giữa 2 con tàu 561 và 571, mỗi lúc có sóng điện thoại, nhà báo Hoàng Nguyên (Tạp chí Sông Lam, tỉnh Nghệ An, đi trên tàu 571) nghẹn ngào trước những khoảnh khắc, những hình ảnh xúc động, sẽ sống mãi cùng năm tháng cuộc đời. Đó là lúc đoàn công tác, phóng viên, nghệ sĩ, cán bộ, chiến sĩ trên tàu, “mặc kệ” sóng gió khiến con tàu lắc lư, chao đảo, “mặc kệ” những cơn say, cùng nâng niu gấp hàng trăm hạc giấy - biểu tượng của hòa bình; kết hoa đăng, vòng hoa, bè hoa tươi và sắp lễ, để kịp lúc đến trước vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao (những hòn đảo đã được giữ vững trong trận chiến Gạc Ma), thả vào sóng biển, cùng những nén tâm hương dâng trước anh linh 64 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, để bảo vệ đến cùng chủ quyền của Tổ quốc.
Chắc tay súng bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: Hoàng Nguyên |
“Trên boong tàu, trước bàn thờ liệt sĩ, trong không khí thiêng liêng, tất cả mọi người thành kính, trang nghiêm cúi đầu mặc niệm, nước mắt tiếc thương, kính phục, tự hào và biết ơn, ướt nhòa mặt. Giữa biển trời hùng vĩ của Tổ quốc, lời Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân nghèn nghẹn, cũng là tiếng lòng, lời thề của những người lính: Chúng tôi nguyện tiếp bước, noi gương các anh hùng liệt sĩ, đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, quyết đem hết sức mình bảo vệ vững chắc, vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ ”- nhà báo Hoàng Nguyên xúc động chia sẻ.
Niềm xúc động, yêu thương sâu lắng hơn, khi nhà báo Nguyễn Khắc An rưng rưng thả vào sóng nước mênh mang nắm đất quê hương Hưng Dũng (TP. Vinh, Nghệ An), được gói ghém kỹ lưỡng mang theo cuộc hành quân đặc biệt, để người bạn học thời phổ thông, liệt sĩ Lê Bá Giang (1 trong 64 liệt sĩ đã nằm lại Trường Sa, trong trận chiến Gạc Ma) được ấm lòng.
Càng thấm và hiểu, những người lính trong chuyến hành quân đặc biệt này, bằng mọi giá cũng phải trao tận tay cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng, tình cảm của đất liền, hậu phương trước thềm mùa xuân mới. Vượt qua nỗi lo sợ hiểm nguy, nhiều phóng viên lặng lẽ đến gặp riêng trưởng đoàn công tác tàu 561, đăng ký được vào An Bang. Có những phóng viên không nằm trong dách sách, đã theo chiến sĩ “tháp tùng” xuồng chở đàn heo vào đảo.
“Chiếc xuồng nhỏ bé, mong manh giữa những đợt sóng lớn dập dồn, nhưng cạnh những người lính bản lĩnh, vững vàng, yên tâm hẳn. Đặc biệt, trước hình ảnh cán bộ, chiến sĩ An Bang dầm mình lựa sóng, lựa gió, đón bắt dây, oằn người hợp sức kéo xuồng lên bãi cát. Để rồi vỡ òa những nụ cười, cái nắm tay thật chặt, mới thấy tình đồng chí, đồng đội, nghĩa tình đất liền với biển đảo sâu nặng, sắt son” - nhà báo Lương Thị Hạnh (Báo Thái Nguyên) bày tỏ. Đó chính là “vật liệu” quý giá xây dựng nên thành trì ý chí trên sóng gió Trường Sa, để bao thế hệ người lính vượt qua những gian khổ, hy sinh hạnh phúc riêng tư, hy sinh cả máu xương, bảo vệ chủ quyền biển đảo; làm điểm tựa vững chắc để những đoàn thuyền của ngư dân ngày đêm bám biển, yên vui làm ăn, phát triển kinh tế.
Trong hải trình 18 ngày trên biển, đảo Trường Sa, chúng tôi đã gặp không biết bao nhiêu nụ cười của ngư dân các tàu cá tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận…, khi họ ghé vào đảo Trường Sa, đảo Đá Tây A để được tiếp thêm nước ngọt, nước đá, được tặng nhu yếu phẩm và đặc biệt là cờ Tổ quốc. Nụ cười mộc mạc mà rạng rỡ, khi “khoe” những chuyến bám biển dài ngày, tuy rất vất vả, nhưng cá đầy khoang. Những mái nhà nơi các miền quê, cứ vậy mà đổi thay, yên bình.