Các hoạt động hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp được triển khai 

83,3% doanh nghiệp đánh giá kinh tế khả quan

Trong những tháng đầu năm, tình hình kinh tế trên địa bàn có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận dù bối cảnh các đối tác thương mại lớn cũng như tình hình kinh tế thế giới khá ảm đạm.

Trên địa bàn, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2024 đạt 250,6 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá ấn tượng ở mức 30,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2023; tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp, như: Nguyên phụ liệu dệt may tăng 59,9%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng tăng 70,3%. Đây được xem là tín hiệu tích cực tạo động lực thúc đẩy sản xuất phục vụ trở lại cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Một số ngành sản xuất chủ lực của tỉnh như: Chế biến thủy hải sản, sản xuất sợi, may mặc, cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ, sản xuất ô tô,... cũng đạt mức sản xuất tốt, nhờ vậy đã duy trì tăng trưởng cho ngành công nghiệp địa phương. Hoạt động bán lẻ, dịch vụ, du lịch trên địa bàn cũng tiếp tục phục hồi tích cực.

Các chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi cũng diễn ra sôi động, phát triển mạng lưới kinh doanh đa nền tảng giúp tiếp cận được nhiều khách hàng và tăng doanh thu,... Vì thế, trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu thì tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt được con số ấn tượng 13.252 tỷ đồng, tương đương tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

 Các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức nhằm kích cầu tiêu dùng

Kết quả khảo sát tình hình hoạt động doanh nghiệp của Cục Thống kê tỉnh phản ánh khá đúng thực trạng của nền kinh tế. Khi 83,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá sản xuất, kinh doanh quý I/2024 khả quan và giữ ổn định hơn so với quý IV/2023. Trong đó, 26,7% doanh nghiệp khẳng định hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt lên và 56,6% vẫn duy trì ổn định; 16,7% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Kỳ vọng vào tăng trưởng

Cũng theo kết quả khảo sát này, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đặt nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế trong quý II và những tháng còn lại của năm 2024. Cụ thể, có đến 91,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh của quý II/2024 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024. Trong đó, 50% dự báo tốt lên và 41,7% dự báo giữ ổn định, chỉ có 8,3% số doanh nghiệp dự báo vẫn còn khó khăn.

Các doanh nghiệp này cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu bắt nguồn từ nhu cầu thị trường; khả năng ứng dụng công nghệ; khả năng tiếp cận tín dụng. Trên cơ sở nhìn nhận đó, nhiều doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp thích ứng với hoạt động xuất khẩu, chú trọng nhiều hơn đến tiêu chí xanh trong sản xuất, cũng như đa dạng sản phẩm, tiếp cận với thị trường mới, tập trung phát triển mạng lưới kinh doanh đa nền tảng… cũng như tăng cường năng lực quản trị, tài chính nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

Có thể lấy dệt may làm minh chứng. Nếu Công ty CP Dệt may Huế tập trung nhiều giải pháp nắm bắt nhu cầu, tiếp cận các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc… để đảm bảo đơn hàng đến cuối năm cũng như năm tới, thì Công ty Scavi Huế lại tập trung hoàn thiện hạ tầng, nhà máy sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xanh quốc tế phục vụ xuất khẩu hướng tới những thị trường khó tính. Mới đây, doanh nghiệp này đã đưa vào hoạt động Nhà máy Scavi Huế 2 chuyên sản xuất quần áo thể thao. Nhà máy này được xây dựng bằng vật liệu thân thiện môi trường, ứng dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, công nghệ và dây chuyền sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất đang được điều chỉnh giảm mạnh, các lĩnh vực ưu tiên được các tổ chức tín dụng “ưu ái” với lãi suất cho vay thấp nhất từ trước đến nay. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên có lãi suất tối đa 4,0%/năm đối với ngắn hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường cũng dao động trong khoảng 5-8,5%/năm đối với ngắn hạn; 6,5%-9%/năm đối với trung và dài hạn. Nhiều ngân hàng còn triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo từng nhóm ngành với lãi suất thấp hơn từ 1,5 đến 2% so với mặt bằng lãi suất cho vay chung, nhằm đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp

Trên địa bàn, nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mang tính “đặc thù” cũng đã được triển khai.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, hiện Sở đang triển khai nhiều chương trình đào tạo doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh theo xu hướng… giúp doanh nghiệp tiếp cận bán hàng đa kênh; tìm kiếm các thị trường tiềm năng trong bối cảnh doanh thu trên các sàn thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước; sớm đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất.

Tuy nhiên ngoài sự đồng hành từ chính quyền, sự thích nghi của mỗi doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên sử dụng công cụ chính sách tài khóa nhất là các chính sách tiền tệ, thúc đẩy tổng cầu trong nước... tạo thêm thế và lực giúp doanh nghiệp “tiến lên”.

Bài, ảnh: Hoàng Anh