Lẽ ra, biển tên CẦU THƯỢNG TỨ phải đặt ở đầu cầu phía sau cửa Thượng Tứ. Ngay Lý trình km0 + 080 cũng đã khẳng định biển tên này là của cửa Thượng Tứ

Thế nhưng chuyện trái khoáy đó lại xảy ra trước mắt người dân hàng ngày đi ra cửa Thượng Tứ, thấy chướng mắt và phản cảm khi biển CẦU THƯỢNG TỨ Km0 + 080 đặt sát ngay cửa Thượng Tứ. Người dân Huế có thể hiểu ngay là biển tên đặt sai vị trí để chỉ cây cầu phía sau cửa Thượng Tứ.

Tuy nhiên, khách du lịch đến Huế họ có cần biết ở sau di tích có biển tên đó có cây cầu hay không, người ta chỉ hiểu một cách trực quan là biển tên này chỉ nội dung của công trình mà nó đặt ngay sát đó là cửa Thượng Tứ. Người ta sẽ đặt vấn đề: trên sách báo, tư liệu về di tích Huế có 10 cửa thành chính, mà đây là một, nhưng vì sao lại có sự thay đổi tên “CỬA THƯỢNG TỨ” thành “CẦU THƯỢNG TỨ”, từ đó có thể có sự đánh giá về trình độ hiểu biết câu chữ tiếng Việt của cơ quan chức năng ở một thành phố di sản, thành phố văn hóa.

Đã có nhiều phản ánh thậm chí gay gắt trên mạng xã hội về vấn đề này. Tôi cũng đã phản ánh vấn đề này lên Trang Dịch vụ Đô thị thông minh Hue-S ngày 10/3/2024, và đã được phản hồi như sau:

“Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế

21/3/2024

Kính gửi: Quý ông/bà

Vấn đề quý ông/bà phản ánh, Phòng QLĐT TP. Huế xin thông báo kết quả như sau:

Qua khảo sát vị trí lắp biển tên cầu tại vị trí phản ánh mục đích để người dân và du khách du lịch đến tham quan dễ nhận biết, nếu đưa ra sau bị cổng thành che khuất sẽ không thấy được biển tên cầu.

Chân thành cảm ơn quý ông/bà.

Trân trọng”

Rõ ràng lập luận trong văn bản trên thiếu thuyết phục, vì đường Đinh Tiên Hoàng đi ra cửa Thượng Tứ là đường một chiều ra, nên đi đến cửa Thượng Tứ buộc phải đi ra thì thấy ngay biển tên CẦU THƯỢNG TỨ nếu lắp đặt ở đầu cầu. Lập luận “nếu đưa ra sau bị cổng thành che khuất sẽ không thấy được biển tên cầu” để đưa biển tên cầu ngay trước cửa Thượng Tứ thì lại làm du khách hiểu lầm, sai lệch ý nghĩa của di tích, cái nào bất lợi hơn?

 Biển cầu Chánh Tây được đặt sau cửa Chánh Tây

Sau khi khảo sát ở tất cả các cửa thành, chúng tôi nhận thấy trường hợp đặt biển tên cầu tại cửa Thượng Tứ là cá biệt, tất cả các di tích: cửa Nhà Đồ, cửa Hữu, cửa Chánh Tây, cửa An Hòa, cửa Đông Ba, đều đặt biển tên cầu ở phía sau cửa kể từ trong ra ngoài Thành Nội, có sợ bị che khuất bởi cổng thành không?

Cửa Nhà Đồ cũng đường ra một chiều như cửa Thượng Tứ nhưng biển tên cầu Nhà Đồ đặt sau cửa.

Tại sao trả biển tên CẦU THƯỢNG TỨ trở về đúng vị trí của nó lại khó đến thế?

Mong các cơ quan chức năng xem xét và sửa đổi.

Bài, ảnh: Trần Dư Sinh