Tuần tra rừng (Ảnh : Văn Sao) |
Ông Dương Văn Giáp, phụ trách tại Trạm tây Sao la (Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao la) cho biết, vào các dịp lễ, lâm tặc thường tranh thủ những lúc lực lượng sơ hở, lén lút vào rừng để khai thác gỗ và săn bắt thú rừng trái phép. Khu Bảo tồn Sao la nơi hiện diện, đa dạng các loài động vật rừng, trong đó có cả các loài quý, hiếm, nguy cấp là “miếng mồi béo bỡ” đối với lâm tặc.
Vậy nên, trong dịp lễ càng phải tổ chức, phân công lực lượng để tuần tra, bảo vệ an toàn cho rừng và động vật hoang dã. Từ ngày 26/4, Trạm tây Sao la tổ chức các đợt tuần tra cả ngày lẫn đêm và tại các cửa rừng, khu vực rừng sâu, qua đó ngăn chặn một số trường hợp, nghi phạm vào rừng hoạt động trái phép.
Ông Hoàng Quốc Hưng, Chỉ huy trưởng Trạm Tây Sao la chia sẻ, dù được nghỉ lễ kéo dài ngày nhưng hầu hết cán bộ, lực lượng của trạm chỉ nghỉ được 1-2 ngày, còn lại phải bám chốt, bám đơn vị và tuần tra bảo vệ rừng, động vật hoang dã. Ban Giám đốc Khu Bảo tồn Sao la cũng có những hỗ trợ chu đáo về lương thực, thực phẩm đầy đủ để các lực lượng yên tâm làm nhiệm vụ, bớt phần thiệt thòi.
Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao la, ông Nguyễn Thanh nhận định, vào các dịp lễ, tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép có khả năng xảy ra tại các tiểu khu thuộc khu bảo tồn và khu vực giáp ranh Rừng Phòng hộ huyện Nam Đông, A Lưới, đường Hồ Chí Minh và giáp ranh tỉnh Quảng Nam.
Tuần tra rừng sâu |
Lực lượng các trạm phối hợp với các địa phương, chủ rừng đang siết chặt tình trạng lâm dân vào rừng trái phép. Đối với lâm dân hoạt động trái phép sẽ bị lập biên bản, lấy lời khai và đẩy đuổi ra khỏi rừng, nếu có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành lập biên bản theo quy định của pháp luật.
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm khi phát hiện sẽ bắt giữ tại hiện trường, tiến hành lập các thủ tục theo quy định của pháp luật. Trường hợp lâm sản bắt giữ có thể vận chuyển được thì cho vận chuyển ra khỏi rừng, nếu không vận chuyển được, hoặc chi phí thuê vận chuyển quá cao thì báo cáo cấp trên có hướng xử lý. Động vật rừng còn sống thì lập các thủ tục đúng quy định để thả về môi trường hoang dã.
Ông Hồ Văn Sao, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới thông tin, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng, săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật rừng trái phép trên địa bàn trong dịp lễ, đơn vị đã xây dựng phương án, kế hoạch, hoạt động cụ thể.
Trong quá trình tuần tra, lực lượng cán bộ, kiểm lâm kết hợp phổ biến, tuyên truyền đến với từng hộ dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các lực lượng đang quản lý chặt chẽ các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình quản lý hiệu quả diện tích rừng tự nhiên được giao, cung cấp thông tin kịp thời với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng xâm hại rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới phối hợp với lực lượng công an, ban chỉ huy quân sự các xã thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý cư trú, nắm tình hình các đối tượng từ địa phương khác đến có khả năng liên quan đến hoạt động khai thác lâm sản để phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời.
Đồng thời, rà soát, xác định các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp phòng ngừa, tổ chức lực lượng tuần tra, truy quét, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, không để sự việc tiếp diễn thành điểm nóng, nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Để làm tốt điều này, Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới kết hợp sử dụng hiệu quả nguồn ảnh viễn thám để phân loại, xác định sớm và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm về phá rừng trái pháp luật trên địa bàn. Các lực lượng, công cụ, phương tiện được bố trí đảm bảo đủ mạnh, duy trì trực 24/24 giờ tại các đội bảo vệ rừng chuyên trách, các điểm xung yếu, chốt chặn trên tuyến đường 74 (tuyến Nam Đông – A Lưới), ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái pháp luật và sử dụng các loài thực vật rừng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.