Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: TTXVN 

Tại hội nghị, Bí thư Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trình bày bản báo cáo: "Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch". Trong khi đó, bộ đội ta tiếp tục bao vây, chặn đường tiếp tế và tiếp viện của địch.

Nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, chiến thắng trong toàn quân

“Thực tế từ toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 đến lúc này, chưa có trận chiến đấu, chưa có chiến dịch nào thử thách gay go, khốc liệt như chiến dịch này, nên trong cán bộ và chiến sĩ ta nảy sinh tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động khá nghiêm trọng. Nếu không tìm cách hạn chế, khắc phục nhanh chóng thì chiến dịch khó kết thúc thắng lợi, thậm chí tổn thất khó lường”. (1)

“Các chiến dịch trước đó, từng đơn vị chỉ đánh vài trận, những trận đánh thường diễn ra không quá một đêm. Sau mỗi trận, bộ đội ta rút ngay về vị trí an toàn phía sau, nghỉ ngơi, củng cố chuẩn bị cho trận khác. Đến chiến dịch này, cuộc chiến đấu đã kéo dài nhiều tháng ròng. Những trận truy kích đường dài, công đồn, phòng ngự, đánh phản kích quyết liệt diễn ra liên tiếp. Ngay sau đó lại bắt tay luôn vào xây dựng trận địa, bản thân công việc này cũng là chiến đấu. Bộ đội ta ăn, ngủ ngay tại công sự trên trận địa đối mặt với quân địch. Cường độ chiến đấu đã vượt lên sức chịu đựng của con người.

Lực lượng pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, mà còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN 

Cơ quan chính trị đi nắm tình hình tư tưởng các đơn vị nhận xét: Qua đợt chiến đấu vừa rồi nổi lên những gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhưng trong cán bộ cũng nảy sinh một số biểu hiện tiêu cực, như ngại hy sinh, gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm... Trong chiến dịch này, đây là những hiện tượng mới…

Sau đợt tiến công khu Đông, công tác giáo dục chính trị đã tập trung làm cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhận rõ tình hình khó khăn của địch và những điều kiện tất thắng của ta, nâng cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Từ cán bộ tới chiến sĩ đều đã tiến hành kiểm điểm.

Tuy nhiên, Đảng ủy mặt trận thấy không thể bỏ qua những hiện tượng mới này, quyết định triệu tập Hội nghị các Bí thư Đại đoàn ủy, các đồng chí phụ trách tổng cục, những người có trách nhiệm nặng nhất trong chiến dịch, để tiến hành kiểm điểm tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực trước khi bước vào đợt chiến đấu quyết định” (2), để giữ vững niềm tin, củng cố và nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu, quyết chiến quyết thắng hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ cho toàn thể bộ đội, trước hết và chủ yếu là cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp.

Trong ba ngày từ ngày 27 đến 29/4/1954, trước ngày nổ súng tiến công đợt ba, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tổ chức Hội nghị các Bí thư Đại đoàn ủy và các đồng chí phụ trách các tổng cục tại mặt trận. Bí thư Tổng Quân ủy, Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giới thiệu với hội nghị Nghị quyết mới của Bộ Chính trị, và trình bày bản báo cáo: "Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch" của Đảng ủy mặt trận.

Bí thư Tổng Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là quán triệt quyết tâm của Trung ương, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Nếu cần phải kéo dài đến mùa mưa thì chúng ta vẫn kiên trì chiến đấu, kiên quyết vượt qua khó khăn, gian khổ thực hiện cho kỳ được và nhất định thực hiện được quyết tâm của Trung ương".

Sau khi “Hội nghị thảo luận, nhất trí về tình hình, mọi người đều nghiêm khắc kiểm điểm những thiếu sót. Hội nghị Giơnevơ sắp họp. Ai nấy đều thấy mình đang đứng trước một đòi hỏi to lớn, là không phải chỉ giành thắng lợi trong chặng đua nước rút cuối cùng, mà còn phải về tới đích đúng thời gian. Và không được phép sao lãng trách nhiệm giành thắng lợi với tổn thất ít nhất về xương máu.

Sau cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp riêng từng đồng chí Bí thư đảng ủy, trao đổi về kế hoạch tác chiến sắp tới, về những khó khăn của đơn vị. Đã thấy một không khí khác hẳn. Ai nấy đều tỏ ra lạc quan và tin tưởng. Những cuộc trao đổi kéo dài tới 2 giờ sáng…

Ngay hôm sau, phần lớn cán bộ cơ quan chính trị chia nhau xuống giúp đỡ các đơn vị triển khai một đợt giáo dục cấp tốc cho toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ, để mọi người nhận thức rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Một khí thế mới dâng lên khắp nơi sau đợt học tập. Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên Mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta.” (3)

Tiếp tục chặn đường tiếp tế và tiếp viện của địch

“Bị ta bao vây ngày càng chặt và cắt con đường tiếp tế duy nhất là đường không, Điện Biên Phủ, căn cứ lục quân - không quân mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, trở thành "địa ngục trần gian" đối với binh lính đồn trú. Để cứu nguy, Navarre (Nava) và các tướng tá Pháp lại phải tăng cường hoạt động không quân hòng nới rộng vòng vây của ta và giữ cầu hàng không từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ. Đế quốc Mỹ quyết định viện trợ thêm cho lực lượng không quân Pháp ở Đông Dương 100 máy bay chiến đấu, 50 máy bay vận tải và lập thêm ba cầu hàng không mới. Các cầu hàng không này do 200 chuyên viên quân sự Mỹ phụ trách.

Được đế quốc Mỹ giúp sức, có ngày không quân Pháp tập trung hàng trăm máy bay khu trục các loại, đánh liên tục nhiều đợt vào các trận địa vây lấn của bộ binh và các trận địa pháo binh, pháo cao xạ của ta. Chúng hiểu rõ hơn ai hết rằng làm mất tác dụng pháo phòng không 37mm của ta là điều chủ chốt. Nếu không thực hiện được thì việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ sẽ vĩnh viễn bị phá hủy.

Trong khi đó, quân ta “đánh chắc, tiến chắc", tích cực chủ động, cơ động, linh hoạt, càng đánh càng có kinh nghiệm, công sự, trận địa ngày càng được củng cố vững chắc. Riêng bộ đội phòng không và pháo binh đánh từ đầu chiến dịch đến ngày 11/4/1954 đã bắn rơi và phá hủy 49 máy bay các loại. Ngày 23/4/1954, trong trận đánh yểm hộ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đánh địch phản kích ở cứ điểm 206, Tiểu đoàn 383 bắn rơi tại chỗ ba máy bay Hencát…

Hoạt động của không quân địch không những không nghiền nát được quân ta mà cũng không thể nới rộng được vòng vây của quân ta xung quanh tập đoàn cứ điểm, không duy trì được cầu hàng không tiếp tế cho quân địch ở Điện Biên Phủ.

Trong đêm ngày 27/4/1954, bị hỏa lực Đại đội 816 ngăn chặn, máy bay địch không dám bay lên khu vực thả dù, 42 chiếc Đacôta phải trở lại căn cứ mang theo toàn bộ số hàng định ném xuống Điện Biên Phủ. Như vậy, vùng trời của địch ngày càng bị thu hẹp lại. Nguồn tiếp tế duy nhất của chúng là dùng máy bay thả dù đã bị quân ta khống chế, có lúc bị cắt đứt hoàn toàn”. (4)

Cuộc hành binh Côngđo (Chim kền kền)

Trước tình thế nguy cấp, “Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp phải tính cách tự giải cứu. Chúng quyết định mở cuộc hành binh mang tên Côngđo (Chim kền kền), với bảy tiểu đoàn, trong đó có ba tiểu đoàn được thả dù. Chúng huy động toàn bộ những chiếc Đakôta còn lại trong vòng 24 giờ và sau đó những máy bay này còn phải đảm nhiệm thả dù hằng ngày 45 tấn lương thực.

Theo dự kiến từ ngày 14 đến 29/4/1954, cuộc hành binh sẽ được khởi đầu từ Mường Khoa tiến đến Tây Trang, rồi tràn vào Điện Biên Phủ đón binh đoàn đồn trú Tây Bắc phá vây rút chạy. Nhưng đúng thời gian này thì lực lượng máy bay vận tải bị hoàn toàn hút vào mặt trận Điện Biên Phủ. Do đó việc thả dù ba tiểu đoàn đã không thực hiện được. Chỉ còn ba tiểu đoàn ngụy Lào và một tiểu đoàn lê dương (2/2 REI) thực hiện cuộc hành binh với sự yểm trợ của không quân, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Gốtđa.

Ngày 27/4/1954, cuộc hành binh Côngđo bắt đầu

Được tin có cánh quân địch từ phía Lào sang giải vây cho Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định cử Trung đoàn 148 và đại đội trinh sát ở phía Nam Hồng Cúm tiến về phía Mường Khoa ngăn chặn địch. Ta phục kích gần Mường Khoa (phía Tây Nam, cách Điện Biên Phủ 30 km), tiêu diệt bốn đại đội quân ngụy Lào. Địch rút chạy. Bộ đội ta truy kích địch về tận giáp Mường Sài và Luông Pha Băng. Cuộc hành binh Côngđo thất bại hoàn toàn. (5)

* Trong khi đó, cùng ngày 27/4/1954, Thủ tướng Anh Churchill tuyên bố ở Hạ nghị viện rằng: "Chính phủ Hoàng gia Anh không chuẩn bị lời hứa nào về hành động quân sự ở Đông Dương khi mà chưa biết kết quả của Hội nghị Giơnevơ". Lời tuyên bố này của Thủ tướng Anh Churchill đã được Hạ nghị viện Anh hoan hô nhiệt liệt.

Cũng trong ngày 27/4/1954, đại sứ Pháp Mátxigli xin gặp Thủ tướng Anh Churchill, tiếp tục nài nỉ nước Anh hãy nghĩ tới số phận của đoàn quân đồn trú ở Điện Biên Phủ. Thủ tướng Anh Churchill nói với đại sứ Pháp rằng: tôi đã phải chịu đựng ở Singapore, Hồng Kông, Tôbrúc (một hải cảng ở Libi, nơi đã diễn ra cuộc chiến giữa quân đội Anh với quân đội Đức, Ý năm 1941-1942). Người Pháp sẽ có Điện Biên Phủ. Người Anh không thể vì số phận một đoàn quân Pháp đã được định đoạt, bỏ lỡ cơ may giải quyết những vấn đề quan trọng của mình với những cường quốc cộng sản tại Giơnevơ. (6)

[Nguồn: TTXVN;

(1) Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 2, tr. 31, 32; 32, 33;

(2); (3); (5); (6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 1064, 1065; 1065, 1066; 1076, 1077; 1074;

(4) Chuyện kể Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2024, tập 1, tr. 174 - 176].

Theo baotintuc.vn