Đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam vào tháng 3 âm lịch

Lễ hội diễn ra vào đầu tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm, được xem là hoạt động sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian của một bộ phận dân cư xứ Huế nói riêng, cả nước nói chung. Từng được nâng lên hàng quốc lễ, ngày nay lễ hội thu hút đông đảo du khách nhất ở miền Trung.

Độc đáo lễ rước bộ

Hầu hết nghi lễ chính diễn ra tại ngôi điện nằm trên núi Ngọc Trản bên bờ sông Hương, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Ngoài các lễ chính, còn các lễ phóng sinh, phóng đăng, với các làn điệu chầu văn xứ Huế... thu hút hàng trăm chiếc thuyền ngược dòng sông Hương với lượng du khách rất đông đến từ các tỉnh trong cả nước về với lễ hội.

Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, lễ hội thu hút công chúng hơn với lễ cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ không chỉ trang nghiêm mà còn đậm sắc màu đường phố.

Theo ban tổ chức lễ hội, từ ngàn xưa, người Việt theo tín ngưỡng Thánh Mẫu lấy đạo hiếu làm trọng, nên lễ cung nghinh Thánh Mẫu có ý nghĩa quan trọng, thể hiện lòng biết ơn của tín hữu đối với Thánh Mẫu.

Dưới thời Nguyễn, vào năm 1886, lần đầu tiên Hoàng đế Đồng Khánh cho phép thực hiện nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu từ Nghinh Lương Đình đến điện Huệ Nam bằng đường sông và đường bộ, dưới sự bảo hộ của triều đình.

Trải qua biến cố thời cuộc, lễ cung nghinh trong lịch sử bị gián đoạn trong một thời gian dài, cho đến năm 2023, nghi lễ rước bộ được tái hiện trở lại bằng đoàn rước từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) đi dọc theo bờ Bắc sông Hương đi qua cầu Gia Hội, chợ Đông Ba, thẳng tiến đường Trần Hưng Đạo lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện, với chiều dài gần 3km.

Đoàn do Tổng hội trưởng Ban chấp hành Tín ngưỡng Thánh Mẫu Thừa Thiên Huế dẫn đầu và các đoàn đạo ngự cùng các hương án, đông đảo thánh đồng, đạo hữu trong trang phục truyền thống cùng với cờ, phướn theo sau. Tất cả tạo nên một đám rước đầy màu sắc trong một không khí trang nghiêm, thành kính. Mỗi nơi đoàn đi qua, có rất đông người dân, du khách theo dõi và chào đón với không khí trang nghiêm nhưng không kém phần sôi động, vui tươi.

Du khách Nguyễn Văn Minh (TP. Huế) nói rằng, dù đã nghe và chứng kiến lễ hội nhưng lần đầu tiên mới thấy tái hiện lại lễ rước bộ. “Dòng người cùng các hương án đã tạo nên một lễ hội truyền thống đầy màu sắc, hấp dẫn”, anh Minh chia sẻ.

Hút khách nhưng văn minh hơn

Sau đoàn rước bộ là đoàn rước bằng thuyền. Từ trung tâm TP. Huế lên điện Hòn Chén tấp nập các ghe thuyền của các tín đồ. Bên trên được trang trí, đặt những hương án và lộng lẫy bằng các loại cờ phướn, hoa, đèn...vì thế được ví như một Festival văn hóa dân gian trên sông Hương.

Lễ hội cũng được đưa vào chương trình của Festival Huế bốn mùa và được đánh giá cao bởi sự thay đổi văn minh khi không còn tình trạng rải vàng mã xuống sông Hương vừa ô nhiễm môi trường, vừa làm xấu xí lễ hội như những năm về trước.

 Dàn thuyền rồng tham gia lễ hội, được ví như một Festival văn hóa dân gian trên sông Hương

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay, từ năm 2023, để đảm bảo yếu tố vệ sinh, an toàn và ngày càng hướng đến một lễ hội văn minh, các nghi thức phóng sanh, phóng đăng đã bị bãi bỏ. Việc đốt giấy tiền vàng mã hay ném vàng mã xuống dòng sông cũng được hạn chế tối đa.

“Chúng tôi tạo điều kiện để những người có tín ngưỡng, kể cả du khách, người dân có thể trực tiếp tham gia lễ hội. Nhưng đã tham gia lễ hội thì làm sao càng ngày phải càng văn minh và càng ngày đảm bảo tinh thần xây dựng Thừa Thiên Huế xanh sạch sáng”, ông Hải nói và cho hay, ban tổ chức lễ hội cũng đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị tuyên truyền rộng rãi đến với bà con tuân thủ các quy định lễ hội.

Cũng theo ông Hải, bên cạnh tuyên truyền còn tăng cường giám sát và khi phát hiện sẽ chấn chỉnh ngay và với tinh thần đó không riêng gì lễ hội điện Huệ Nam mà nhiều lễ hội khác trên địa bàn tỉnh cũng tương tự, ngày càng văn minh hơn, đẹp hơn.

NHẬT MINH