Duyệt binh trên đảo Trường Sa |
29/4, trang facebook cá nhân của một nữ đồng nghiệp (cùng trên con tàu 561 và đoàn công tác Vùng 4 Hải quân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên quần đảo Trường Sa, nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2024) đăng những hình ảnh đã ghi lại trong chuyến công tác, với dòng trạng thái: “Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), gửi nhớ thương đến cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa”.
Cũng như nữ đồng nghiệp ấy, trong những ngày tháng tư lịch sử, nhiều phóng viên trên mọi miền đất nước đã có chung chuyến công tác đặc biệt, thông qua trang facebook cá nhân, gửi biết ơn, kính trọng và yêu thương đến chiến sĩ Trường Sa, những người đã và đang vượt qua mọi gian nan, hiểm nguy, kiên cường nơi đầu sóng để quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chãi của Tổ quốc.
Vượt nhiều khó khăn, sóng gió để cập đảo An Bang |
18 ngày trên quần đảo Trường Sa, giữa mùa sóng to gió lớn, những người lính điều khiển chiếc ca nô nhỏ bé, luồn sóng lách gió, đảm bảo an toàn cho đoàn cho công tác, phóng viên, là hình ảnh mỗi ngày càng sâu đậm trong tình cảm của chúng tôi. Nhớ khi từ đảo Đá Tây A trở về tàu 561, lúc ca nô cách tàu chỉ tầm hơn 200 mét thì giông lốc nổi lên. Sóng lớn cuồn cuộn, khiến chiếc ca nô như bị xô ngược lại. Không thể cập mạn phải của tàu, ca nô lựa sóng “vòng” sang mạn trái. Chỉ cách con tàu trong “gang tấc” nhưng gần 30 phút ca nô phải luồn lách trên sóng lớn vần vũ.
Ban đầu không giấu được lo lắng, nhưng nhìn gương mặt dày dặn phong ba của Trung úy chuyên nghiệp Trần Trung Kiên vẫn bình thản; anh vẫn vững tay lái, ai nấy dần yên tâm. Khi ca nô cập được mạn tàu, với sự hỗ trợ của “hàng rào” cán bộ, chiến sĩ tàu 561, toàn bộ phóng viên và 4 người dân trên đảo (một gia đình gồm vợ chồng và con nhỏ; người vợ đang mang thai đứa con thứ hai được 7 tháng) trở về đất liền, đã lên tàu bình an.
“Năm ngoái, cũng vào dịp cuối năm, tôi điều khiển xuồng chở phóng viên vào đảo Trường Sa Đông. Lúc hạ xuồng đưa đại biểu xuống, thời tiết đang thuận lợi. Nhưng khi rời tàu được một lúc, trời chuyển giông. Phía trước không thấy đảo. Phía sau chẳng thấy tàu. Khi đó người chiến sĩ cầm lái phải xử lý bằng bản lĩnh của mình; phải làm chủ được con sóng, làm chủ được con xuồng của mình, giữ ổn định và an toàn cho các anh các chị trên xuồng”- Trung úy Trần Trung Kiên nhớ lại, khi đó sóng cứ trùm lên, trùm kín cả mũi xuồng. Xuồng chạy như tàu ngầm. Nhưng các anh bình tĩnh, vững vàng xử lý các tình huống. Trong tình thế hiểm nguy, các anh luôn giữ liên lạc với tàu để biết điều hướng và nhận sự chỉ huy từ tàu; sự chỉ đạo từ thuyền trưởng. “Có trường hợp mình yêu cầu bắn pháo hiệu để phân biệt hướng, mục tiêu tàu ở đâu để quay xuồng về. Hôm đó, chúng tôi đã quay ngược về cập tàu an toàn”- Trung úy Trần Trung Kiên chia sẻ.
Động viên, khích lệ chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác trên đảo trong đêm giao thừa |
Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác, cũng là người đưa phóng viên lên đảo Trường Sa Đông trên chuyến xuồng hôm đó. Khi đã trở về tàu an toàn, nhiều nam phóng viên mới bày tỏ, lúc giữa sóng to gió lớn, cận kề hiểm nguy, nỗi lo lắng hoang mang tột cùng. Nhưng nghe Thượng tá Dương Chí Nguyện nhắc: bình tĩnh, bám thành ghế cho chắc. Đồng thời nhìn sắc mặt anh không hề thay đổi, nên mọi người yên tâm Các anh bộc bạch, là người chiến sĩ hải quân, giữa trùng khơi, ý chí càng phải vững vàng. Sóng to gió lớn cỡ nào cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
An Bang vững chãi giữa bốn bề sóng vỗ |
Trung kiên giữa sóng to gió lớn, đã có những chiến sĩ hải quân anh dũng hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Thời gian cứ trôi qua, nhưng những chiến sĩ hải quân thực hiện nhiệm vụ tại nhà dàn DK1 đã ngã xuống trong bão tố (đó là những liệt sĩ đã hi sinh khi nhà dàn DK1/3; nhà dàn DK1/16 bị đổ trong cơn bão lớn năm 1990; năm 1998...), vẫn sống mãi trong lòng người ở lại, sống mãi trong sự tri ân, tiếc thương và biết ơn của Nhân dân cả nước. Hồn thiêng của những Anh hùng liệt sĩ đã hòa trong sóng nước; sự hi sinh của người chiến sĩ hải quân để vun đắp vững chãi thêm cột mốc chủ quyền giữa ngàn khơi.
Cuộc sống người dân yên vui trên quần đảo Trường Sa |
Ý chí kiên cường, hi sinh cả mạng sống của các thế hệ cha anh khi thực hiện nhiệm vụ trên khắp các vùng biển, đảo của Tổ quốc, là hành trang quý giá mà những chiến sĩ Trường Sa hôm nay mang theo. Để từ đó tiếp bước, noi gương thế hệ đi trước, đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, đem hết sức mình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Chuyến công tác 18 ngày tại quần đảo Trường Sa đã kết thúc. Nhưng giờ đây, mãi thân thương trong tình cảm của chúng tôi, hình ảnh đảo Trường Sa, Đá Tây, Đá Đông, An Bang… Không chỉ bởi sự đổi thay, phát triển, hiện đại và màu xanh ngút ngàn trên đảo. Mà nơi đầu sóng, có biết bao chiến sĩ đang hi sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường cầm chắc tay súng, để quần đảo Trường Sa là điểm tựa vững chãi cho Tổ quốc.