TS. Phan Lê Chung, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế (bên phải) tặng quà cho đại diện Trường Mỹ thuật Savannakhet Lào tại triển lãm ở Huế

Cầu nối văn hóa từ mỹ thuật

Trong khuôn khổ hoạt động tuần lễ du lịch Savannakhet, Lào năm 2024 diễn ra trong tháng 3 vừa qua, Triển lãm Mỹ thuật quốc tế Lào – Việt Nam – Thái Lan đã được tổ chức. Triển lãm quy tụ hơn 60 tác phẩm của các nghệ sĩ đến từ ba quốc gia, mang đậm dấu ấn của nhiều phong cách và chất liệu khác nhau, như hội họa, điêu khắc, đồ họa và nhiều thể loại khác.

Đặc biệt, tại triển lãm này, Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đại diện cho Việt Nam tham dự. Có tất cả 17 tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam tham gia, trên nhiều chất liệu: Acrylic, sơn dầu, màu nước, điêu khắc... Những tác phẩm nổi bật có thể kể đến là: Trâu đỏ, Đèn lồng, Hoa Sen, Dấu ấn cổ xưa…

TS. Phan Lê Chung, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế chia sẻ, được chọn tham gia triển lãm là những tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu, vừa thể hiện được đặc trưng của mỹ thuật tạo hình, vừa khẳng định về nghệ thuật. Qua đó, góp phần giới thiệu văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung thông qua các tác phẩm, tạo nên một điểm nhấn quan trọng và đặc sắc trong không gian triển lãm.

Tham gia tại triển lãm ở Lào còn là kết quả của sự hợp tác giữa Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Trường Mỹ thuật Savannakhet Lào, được hai đơn vị ký kết vào tháng 11/2023. Cũng tại hoạt động ký kết diễn ra cuối năm ngoái, tại Trường đại học Nghệ thuật, hai đơn vị đã cùng nhau phối hợp tổ chức Triển lãm Mỹ thuật giao lưu văn hóa Việt – Lào, với chủ đề “Connecting” (Kết nối). Triển lãm giới thiệu 57 tác phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau của 45 tác giả đến từ hai trường; trong đó, 25 tác phẩm của 14 tác giả đến từ Trường Mỹ thuật Savanakhet Lào và 30 tác phẩm của 24 tác giả đến từ Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Họa sĩ Nguyễn Ánh Dương, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật chia sẻ, có tác phẩm tham gia triển lãm giữa hai nước là vinh dự của mỗi họa sĩ. Triển lãm giúp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên giữa hai trường có cơ hội giao lưu, học hỏi về học thuật trong sáng tác mỹ thuật. Thông qua triển lãm, họa sĩ trong trường được tiếp cận được những phong cách nghệ thuật mới từ Lào và cũng là dịp để giới thiệu đặc trưng nghệ thuật, thế mạnh của họa sĩ trong trường đến với các họa sĩ của nước bạn. Hoạt động là cầu nối để nghệ thuật được gặp gỡ, đồng điệu và thăng hoa.

Tăng cường tình hữu nghị

Đại diện Trường Mỹ thuật Savannakhet Lào đánh giá, Huế là một thành phố mang bề dày lịch sử, có nhiều di tích được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hình ảnh về vùng đất, văn hóa đặc trưng của vùng đất này rất nổi tiếng ở Lào. Savannakhet và Thừa Thiên Huế cũng có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với nhau suốt thời gian qua. Với bối cảnh đó, những triển lãm được tổ chức ở cả hai địa phương của hai nước là những cơ hội tốt để so sánh những điểm khác biệt trong cách thể hiện tính thẩm mỹ của các họa sĩ Việt Nam và Lào, cũng như sự khác biệt trong cách hiểu và khả năng cảm nhận sự vật của mỗi người. Không chỉ là đồng cảm về nghệ thuật, triển lãm còn là hoạt động giao lưu văn hóa, sự hiểu biết giữa hai nước sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Theo TS. Phan Lê Chung, Thừa Thiên Huế và Savannakhet đều là những điểm đến có văn hóa đặc trưng nổi bật, đại diện cho hai nước Việt Nam và Lào. Hai địa phương cũng nằm trên tuyến đường hành lang kinh tế Đông – Tây nổi tiếng qua 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Giao lưu văn hóa bằng các hoạt động triển lãm, giới thiệu nghệ thuật, vừa quảng bá hình ảnh đất nước của hai quốc gia, giới thiệu hình ảnh và con người Việt Nam đến đến với nước bạn Lào và ngược lại; vừa góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, nhất là ngành “công nghiệp văn hóa” và du lịch.

Những triển lãm đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hợp tác giữa hai trường thuộc khối ngành văn hóa nghệ thuật. Đây là dịp để hai trường chia sẻ những thành tựu đã đạt được trong quá trình đào tạo, sáng tác nghệ thuật. Từ đó, có những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học về lĩnh vực nghệ thuật. Đây cũng là một cơ hội để mở ra những kỳ vọng và trong công tác trau dồi chuyên môn và các hoạt động hợp tác, đào tạo khác trong tương lai. Đặc biệt, thông qua đó, giúp các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Lào chủ động trong việc thu hút sinh viên của hai nước đến với nhau thời gian tới. Vì vậy, hai đơn vị cùng đặt mục tiêu sẽ kết nối hơn nữa thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật, đào tạo và công tác chuyên môn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, tính đặc trưng, sự phát triển của vùng đất còn thể hiện ở khía cạnh đào tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị về mỹ thuật. Không dừng ở đó, cơ sở đào tạo mỹ thuật còn có nhiệm vụ quảng bá văn hóa Huế thông qua thế mạnh riêng. Thừa Thiên Huế đang xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trên 4 trụ cột: Văn hóa, du lịch, giáo dục và y tế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế là tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa để làm tốt “cầu nối” giao lưu văn hóa, đưa văn hóa Huế nói riêng, Việt Nam nói chung ra thế giới.


Bài, ảnh: ĐỨC QUANG