Dưới bàn tay khéo léo, món bánh trông như chùm vải ngọt ngào |
Lan tỏa tình yêu ẩm thực của quê hương
Từ khi còn bé, chị Thanh Hương đã yêu thích căn bếp nhỏ ấm cúng luôn sực nức mùi thơm bánh trái của gia đình mình. Nơi căn bếp ấy, chị đã theo bà, theo mẹ mình học làm bếp. Mỗi lần nhìn những nguyên liệu bình dị, mộc mạc được lấy từ ruộng đồng, bãi bờ xứ Huế, nhưng qua đôi tay khéo léo của mẹ của bà mà “hóa thân” thành vô vàn những món ăn cầu kỳ đầy hương sắc, chị lại mê mẩn, thích thú.
Yêu vùng đất Kinh kỳ nơi mình được sinh ra, yêu nền văn hóa ẩm thực đa dạng nơi này, chị Thanh Hương luôn tìm hiểu, học hỏi nhiều món ăn, các loại bánh Huế từ những thế hệ đi trước. Nhờ vậy mà chị biết và nắm giữ công thức làm rất nhiều món bánh cổ truyền của Huế. Có món gần như thất truyền, có món hiếm người còn nhớ đến.
Ít người biết những bánh trái dùng để thiết đãi khách trong nhiều chương trình hội nghị, giao lưu về văn hóa Huế đều được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của chị Thanh Hương. Không chỉ thơm ngon thanh ngọt mà còn có vẻ đẹp bắt mắt, những món bánh tế điều, bánh trái cây, bánh trái vải, bánh măng, bánh mận, bánh hồng đào ngụy quả… được cho là xuất xứ từ cung đình, quý tộc Huế xưa đã làm đắm say lòng biết bao thực khách.
Bạn bè quốc tế thích thú học cách làm các món bánh từ chị Hương |
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kim Long, nghề làm bánh của gia đình chị Hương được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đến đời bà nội chị Hương, tiệm bánh của gia đình vì không có người kế nghiệp nên phải đóng cửa, nhưng tình yêu với bánh trái đã kịp ngấm sâu vào lòng chị, để mở ra những cánh cửa khác. Đó là sự lan tỏa tình yêu ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.
Chị Hương cho biết, nhiều chuyên gia ẩm thực nước ngoài đến Huế đã vô cùng thích thú khi được tìm hiểu về “kinh đô ẩm thực” xứ Huế. Họ lặn lội tìm về vùng Kim Long để được chị chỉ dạy cách chế biến nhiều món bánh trái cung đình. Bà Dan Longacre, một chuyên gia ẩm thực người Mỹ; ông Gai Mit Lai, chuyên gia ẩm thực Thái Lan sau khi theo học lớp bánh cung đình của chị Hương đều tỏ ra vô cùng thích thú khi hiểu sâu hơn về nền ẩm thực phong phú và đa dạng của Huế. “Nhìn sự thích thú ngập tràn trong ánh mắt của họ, mình hạnh phúc lắm” - người phụ nữ nặng tình yêu ẩm thực Huế, bày tỏ.
Truyền năng lượng tự tin
Công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên TP. Huế, thời gian qua cho đến nay, chị Hương đang tham gia giảng dạy lớp sơ cấp kỹ thuật chế biến món ăn (miễn phí) cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nghèo hoặc cận nghèo thuộc Đề án chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo do tỉnh phối hợp với Trung tâm thực hiện.
Nhiều học viên sau khóa học đã tự tin sử dụng các kỹ năng học được để ra đời mưu sinh. Như chị Tiên mở quán cơm hến, chị Thảo mở quán phở. Hay trường hợp anh Triết có vợ bán bánh canh, sau khi nhận được chứng chỉ của khóa học, anh đã hiểu hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó “tròn vai” phụ vợ buôn bán. Có trường hợp sau khóa học đã rất tự tin khi làm cấp dưỡng tại các trường học bán trú.
Không chỉ thay đổi sinh kế, nhiều người đã biết cách ứng dụng các kỹ năng nhận được từ khóa học vào đời sống gia đình. Họ biết cách lựa chọn thực phẩm sao cho tươi ngon hơn. Chọn dưa sao cho ngọt, chọn cam sao cho không bị xốp, lựa miếng thịt con cá thế nào là tươi… những kiến thức cơ bản ấy không phải người nào cũng biết hết. Nụ cười thật hiền hậu khi chị Hương trải lòng: “Tôi rất hạnh phúc bởi những người phụ nữ nghèo ấy, sau khóa học đã nâng cao chất lượng cuộc sống, bồi đắp tình cảm gia đình gắn kết hơn qua những bữa ăn thanh đạm, nhưng ngon và lành”.
Từ những thực phẩm thiết thực thường hay ứng dụng trong gia đình, các học viên đã biết cách chế biến các món ăn bài bản hơn, cầu kỳ hơn, có cơ hội tiếp cận và thực hành những món ăn cao cấp hơn để ứng dụng khi gia đình có khách, đám tiệc. Như chị Hoa ở Kim Long, hai vợ chồng làm nghề đúc bờ lô. Sau khi theo lớp học chế biến món ăn, chị Hoa đã tự tin thay đổi thực đơn trong gia đình. Hay trường hợp anh Thành đang chăm mẹ già (anh Thành sống cùng vợ con ở miền Nam, do người mẹ già yếu nên về Huế chăm sóc mẹ). Có được những kỹ năng từ lớp học, người đàn ông trung niên hiếu thảo đã nâng cao tay nghề từ khâu mua nguyên liệu; chế biến nhiều món ăn ngon - bổ - phù hợp nhu cầu, khẩu vị của mẹ già.
Tuy nhiên, nhiều người (trong diện được tham gia lớp học) lại mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp, ngại học hỏi. Do đó, để tuyển các học viên đến với lớp học, chị Hương và các đồng nghiệp về từng địa phương, theo danh sách của chính quyền cung cấp “đi từng nhà, rà từng ngõ”, để vận động. Nhiều trường hợp, chị Hương phải đi tới đi lui nhiều lần, rủ rỉ cái được cái hơn, mới “kéo” được họ “bước ra ngoài cánh cửa”. Nhưng mỗi khi đã đến với khóa học, được giao lưu vui vẻ và nâng cao kỹ năng, kiến thức, các bà, các chị tự tin hẳn. “Trường hợp 3 mẹ con chị Phương ở phường Kim Long, làm hàng mã, tôi phải lui tới nhiều lần mới vận động thành công. Nhưng sau khi khóa học kết thúc, chị Phương lại tiếc nuối và ước ao được tiếp tục đến lớp mỗi tối cuối tuần” - chị Hương kể với niềm vui ngập tràn trong mắt.
Chị Hương nói rằng, sau một tuần vất vả mưu sinh, cuối tuần các học viên của chị đến với lớp học, họ vui khi quen thêm được nhiều người bạn mới, từ đó xóa bỏ những mặc cảm, tự ti của bản thân, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống. Chất lượng sống của họ cũng từ đó mà thay đổi. “Nhiều học viên đến lớp kể rằng nhà có khách, họ đã trổ tài nấu những món đã học, ai cũng khen ngon. Nhìn họ vui, mình cũng vui lây” - Chị Hương nói, những học viên của lớp đều có hoàn cảnh đặc biệt, kém may hơn người khác, nên khi đến với lớp học, các anh, chị ấy thay đổi tích cực, với tâm thế khác, người đứng lớp như chị càng thấy công việc của mình thật ý nghĩa.