Đức Anh chăm chỉ quan sát, ghi chép, tích lũy vốn sống để viết tốt hơn |
Bắt đầu theo đuổi con đường văn chương chỉ 2 năm, nhưng Đức Anh đã “lận lưng” nhiều giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi viết “Ở đây có tết” trên báo Mực tím với tác phẩm “Hoài vọng người cũ, ủ một niềm thương” (2024); Giải Ba cuộc thi sáng tác văn học trẻ “Giải thưởng Văn học Trẻ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ II với tác phẩm “Rau sam còn mọc trên đồng” (2023); Giải Ba cuộc thi viết “Tiêm ngừa – chuyện chưa kể” trên báo Tuổi Trẻ với tác phẩm “Đưa mệ đi tiêm” (2023); Giải Ba cuộc thi viết “Huế kinh đô ẩm thực” do Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức với tác phẩm “Mơ tan sắc xuân, vị xuân qua bánh Pháp Lam” (2022).
Đức Anh chia sẻ, em bắt đầu tập tành viết lách từ năm mới học lớp 3. Những con chữ ngô nghê buổi đầu ấy, dẫu chỉ được viết ra rồi cất kỹ trong ngăn tủ nhưng đã góp phần hun đúc giấc mộng văn chương của Đức Anh. Cho đến năm học lớp 10, em mới mạnh dạn gửi bài cộng tác với báo. Lần đầu tiên có tác phẩm được đăng, không thể nói hết niềm hạnh phúc, sự phấn khích trong lòng cậu học sinh ấy. Món quà sinh nhật ba mẹ năm đó, đã được Đức Anh mua bằng chính tiền nhuận bút viết văn của mình. Chăm chỉ học tập, chăm chỉ viết lách, số tiền nhuận bút mà Đức Anh nhận được đủ để em đóng tiền các môn học thêm, mua dụng cụ học tập và sách báo.
Hiện, Đức Anh theo đuổi hai mảng là tản văn và truyện ngắn. Em có bài đăng trên nhiều báo, như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Quân đội nhân dân, Dân Việt…
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, ngày ngày được tắm mình trong không khí bình yên của làng quê, Đức Anh luôn bày tỏ yêu thương và biết ơn khi kể về người cha nông dân, quanh năm cần cù trên đồng ruộng; người mẹ thợ may, suốt ngày cặm cụi cùng chiếc máy may bên cửa sổ, tằn tiện, chắt chiu nuôi 3 đứa con ăn học, nên người.
Ở tuổi 17, nhưng Đức Anh đã có cách viết sâu sắc, đầy xúc cảm ngọt ngào với vốn từ phong phú cho thấy một người trẻ giỏi quan sát thế giới xung quanh một cách tinh tế. “Em thấy mình may mắn khi được sinh ra, lớn lên ở Thừa Thiên Huế, nơi mảnh đất và con người thật đẹp, thật giàu tình cảm. Em mong muốn sau này có thể góp một phần nhỏ bé, lan tỏa văn hóa Huế đến bạn đọc khắp mọi miền” - Đức Anh bày tỏ.
Để bồi đắp khả năng viết của mình, cậu học sinh lớp 11 không ngừng nâng cao kiến thức bằng cách cần mẫn tìm đọc các tác phẩm văn chương của những người đi trước, chăm chỉ đọc sách, báo. Đức Anh cũng thường xuyên đọc từ điển tiếng Việt để làm giàu vốn từ của mình. Bộ từ điển tiếng Việt của GS. Hoàng Phê chính là cuốn sách gối đầu giường của Đức Anh. Bìa sách đã mòn vẹt vì lật giở nhiều. “Lúc em mua sách về, chỉ có ý định đọc cho biết, nhưng sau đó bất ngờ vì có rất nhiều từ ngữ mới lạ, thú vị. Từ đó, cứ có thời gian rảnh là em lật từ điển ra đọc, nhờ vậy mà vốn từ ngữ của em ngày càng phong phú hơn”, Đức Anh chia sẻ.
Lần đầu chạm ngõ với văn chương, Đức Anh nói em thật sự may mắn khi được cô giáo Lê Hải Yến (giáo viên dạy văn, Trường THPT Trần Văn Kỷ) thường xuyên động viên, khích lệ. Chính cô cũng là người đã kiên nhẫn sửa chữa những trang viết đầu tay đầy ngô nghê của Đức Anh, giúp em ngày càng tự tin hơn trên con đường văn chương mà mình đang dần dần theo đuổi.
Ngoài những đầu sách được in chung như: “Những mùa hoa mận trắng (Tuyển tập truyện ngắn và tản văn, 2024), Tuyển tập văn học trẻ (thơ, truyện, tản văn, 2023), Hào khí miền Đông (2023); Ước mơ của Đức Anh là sớm xuất bản được cuốn sách của riêng mình. Đức Anh cũng đang phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt, để thực hiện ước mơ