Những ngôi nhà được rao bán tại Canada. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo một phân tích độc quyền của Bloomberg Economics, tổng cộng 13 nền kinh tế trên khắp thế giới phát triển đã rơi vào tình trạng suy thoái bình quân đầu người (tăng trưởng kinh tế không theo kịp tốc độ tăng dân số, khiến mức sống bị thụt lùi) vào cuối năm ngoái. Trong khi có những yếu tố khác, chẳng hạn như sự chuyển đổi sang các công việc dịch vụ kém năng suất hơn và thực tế là những người mới đến thường kiếm được ít tiền hơn; cùng với tình trạng thiếu nhà ở và các căng thẳng liên quan đến chi phí sinh hoạt…

Nỗi lo ngày càng tăng xung quanh cuộc khủng hoảng nhà ở đã buộc chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau phải thu hẹp lại các mục tiêu về nhập cư, tạm dừng việc tăng mục tiêu thường trú nhân và lần đầu tiên đặt ra giới hạn đối với sự gia tăng số lượng cư dân tạm trú.

Mục tiêu của Canada hiện là cắt giảm 20% số lượng lao động nước ngoài tạm trú, sinh viên quốc tế và người xin tị nạn, tương đương khoảng nửa triệu người trong 3 năm tới. Điều đó dự kiến sẽ giảm hơn một nửa tốc độ tăng dân số hàng năm xuống mức trung bình 1% trong giai đoạn 2025 - 2026.

Trong khi đó, Australia phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở tồi tệ nhất. Giấy phép xây dựng căn hộ và nhà phố đang ở gần mức thấp nhất trong 12 năm, và vẫn còn tồn đọng khá lớn các công trình xây dựng. Nỗi lo thiếu nhà ở, giá thuê nhà tăng vọt và giá nhà tăng cao đã khiến chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese phải thắt chặt thị thực sinh viên.

Ở châu Âu, nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Đức cũng chứng kiến suy thoái bình quân đầu người. Phân tích của Bloomberg Economics cho thấy, Pháp, Áo và Thụy Điển cũng nằm trong số những quốc gia ghi nhận suy thoái bình quân đầu người.

Tương tự ở Vương quốc Anh, mức độ di cư kỷ lục đã bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế. Cuộc suy thoái kinh tế vào nửa cuối năm ngoái đã khiến GDP toàn phần giảm 0,4%, tuy nhiên mức sụt giảm còn kéo dài và sâu hơn khi được điều chỉnh theo dân số. GDP bình quân đầu người đã giảm 1,7% kể từ đầu năm 2022. Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung cũng khiến chi phí thuê nhà tăng vọt với tốc độ kỷ lục trong 12 tháng qua, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Mặc dù vậy, nhập cư đã giúp các nhà tuyển dụng giải quyết tình trạng thiếu lao động trên diện rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc xã hội. “Phần lớn mức tăng trưởng mà chúng tôi chứng kiến trong những năm 2010 là nhờ di cư ròng. Xét về quy mô tổng thể của nền kinh tế, điều đó thực sự quan trọng. Điều thực sự khó nói là tác động của nhập cư ròng lên con số bình quân đầu người”, ông Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu tài chính Anh nhận định.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Bloomberg)