Sau lễ đón chính thức vào chiều tối 29/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người đồng cấp David Cameron có cuộc hội đàm nhằm trao đổi biện pháp và phương hướng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Anh David Cameron tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: GettyImages |
Theo lịch trình chuyến thăm, Thủ tướng Anh đến thành phố Hồ Chí Minh để tham dự Diễn đàn doanh nghiệp và gặp gỡ các nhà đầu tư hai nước, sau khi có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Chuyến thăm của Thủ tướng Anh nhằm thúc đẩy các thế mạnh và tiềm năng hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, khoa học công nghệ hiện đại, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo và quốc phòng. Đồng thời hai bên sẽ trao đổi thêm về việc thúc đẩy hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Tăng cường thương mại song phương
Việt Nam và Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Tuy nhiên quan hệ hai nước chỉ thực sự phát triển từ giữa thập kỷ 90 đến nay. Quan hệ Việt Nam và Anh đang có những bước tiến đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh quốc phòng. Anh đã ký với Việt Nam hầu hết các hiệp định kinh tế khung, trở thành một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam, ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã có những tăng trưởng không ngừng trong nhiều năm vừa qua. Năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều chỉ khiêm tốn ở mức 1,15 tỷ USD, nhưng đến năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt mức xấp xỉ 2 tỷ USD và vượt mức 3,5 tỷ USD trong năm 2012. Với mục tiêu nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều, quan hệ thương mại Việt Nam – Anh ngày càng thể hiện vai trò và mức độ quan trọng trong nền kinh tế của cả hai nước.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều Việt Nam - Anh đạt 2,05 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Về đầu tư, Anh hiện đang đứng thứ 3 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, với 204 dự án có tổng số vốn đầu tư 3,18 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam).
Trước thềm chuyến thăm, ông David Cameron đã có cuộc họp báo trong nước. Thủ tướng Anh chia sẻ, chuyến thăm là một “cơ hội tuyệt vời” để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng là mục tiêu chính của chuyến công du.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Vietnamplus, ông Cameron nhận định, “Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Trong đó, tiềm năng để tăng cường thương mại song phương là rất lớn. Đây sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của tôi. Đó là lý do vì sao tôi không chỉ dừng chân ở Hà Nội mà còn đến cả Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là lý do tôi đem đến Việt Nam một máy bay đầy các doanh nhân Anh, để họ có thể tận mắt chứng kiến những cơ hội sẵn có tại thị trường mới nổi đầy sôi động này”.
Với mật độ dân số trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, tôi tin chắc Việt Nam sẽ là một quốc gia thu hút rất nhiều doanh nghiệp Anh - Thủ tướng “xứ sở sương mù” nói thêm.
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho việc ký kết hiệp Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Cameron hy vọng, hiệp định sẽ tạo điều kiện để các bên sớm đạt được thỏa thuận vì lợi ích của các doanh nghiệp ở cả châu Âu và Việt Nam.
Nâng cao quan hệ đối tác chiến lược
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai nước nhất trí phát huy bản Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt – Anh đã được ký kết vào tháng 9/2010, bản Tuyên bố chung chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – Vương quốc Anh lên tầm đối tác chiến lược, tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện, với cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các lĩnh vực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và an ninh quốc phòng.
Hai nước đã hợp tác trong các vấn đề quốc phòng, hàng hải và cùng đấu tranh chống tội phạm, điển hình là hoạt động chống nạn nô lệ hiện đại, lạm dụng tình dục trẻ em, các hình thức tội phạm mạng và tội phạm tài chính.
Theo thông tin được đăng tải trên tờ báo Anh Telegraph hôm 29/7, Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ thực hiện một chiến dịch truy quét nạn buôn bán trẻ em Việt Nam bằng cách ra lệnh cho các doanh nghiệp lớn của Anh có những hành động cụ thể nhằm ngăn chặn chế độ nô lệ và buôn bán người tại nước này. Có đến 3.000 trẻ em Việt Nam được cho là đã bị bán sang Anh để làm việc trong các trang trại cần sa và thường bị đối xử tồi tệ.
Vương quốc Anh cũng đang có nhiều hoạt động nhằm giúp các nạn nhân của nạn buôn bán người được tái hòa nhập cộng đồng, cũng như nâng cao nhận thức về nguy cơ của hình thức buôn bán này.
Về lĩnh vực quốc phòng, Anh đã đào tạo chuyên sâu cho các sĩ quan của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Việc chính phủ Việt Nam bổ nhiệm một Tùy viên quân sự tại London sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nói trên.
Đứng trước xu thế phát triển theo hướng hiện đại của Việt Nam, điển hình là việc mở rộng các cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Anh hy vọng các công ty kiến trúc, xây dựng và năng lượng tầm cỡ thế giới của nước này có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Anh còn có nhiều cơ hội lớn để hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và sáng tạo.