Cửu đỉnh do vua Minh Mạng cho đúc năm 1835 hiện đặt tại Thế Tổ Miếu |
Một trong những nội dung quan trọng tại cuộc họp lần này là xét duyệt các hồ sơ trình ghi danh di sản tư liệu khu vực của các quốc gia. Cùng đại diện lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia Việt Nam, đại diện của tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Hội nghị MOWCAP 2024 để bảo vệ Hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Cửu Đỉnh triều Nguyễn trở thành Di sản Ký ức thế giới.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đợt này toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 20 hồ sơ đệ trình, Việt Nam có 1 hồ sơ là Cửu đỉnh của Huế. Khả năng rất cao đây sẽ là di sản Ký ức/Di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam và thứ 4 của Huế được UNESCO ghi danh sau các di sản Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh bằng đồng do Hoàng đế Minh Mạng cho đúc từ năm 1835-1837, sau khi hoàn thành được đặt trong sân của Thế Tổ Miếu, bên trong Hoàng cung Huế. Trải qua gần 200 năm, đến nay, Cửu Đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất. Từ khi được hình thành, Cửu Đỉnh chưa từng được sửa chữa, vì vậy, chúng có giá trị độc bản và không thể thay thế. Cửu Đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 1, năm 2012.
Mỗi hình chạm nổi như là một tác phẩm điêu khắc độc lập, giàu tính nhân gian, được khắc lên thân đỉnh |
Cả 9 chiếc đỉnh có kích thước rất lớn, cao trung bình 2,3m và đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là Minh Mạng thập lục niêm Ất Mùi” (1835), bên trái ghi trọng lượng từng đỉnh có khác nhau, xê dịch từ 3.201 cân ta đến 4.307 cân ta.
Trên Cửu đỉnh có những hình ảnh chạm nổi mang tính biểu tượng về núi sông, sản vật, cỏ cây hoa lá và những sản phẩm tiêu biểu do con người làm ra, phản ánh một cách độc đáo nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Việt Nam trong thế kỷ XIX, đồng thời thể hiện tài năng đặc biệt của những nghệ nhân đúc đồng nước ta lúc bấy giờ.
Du khách chụp hình Cửu đỉnh khi tham quan hoàng cung Huế |
Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì các hình tượng trên Cửu Đỉnh như một bộ “Địa dư chí” của Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo.
TS. Phan Thanh Hải cho rằng, so sánh với các tiêu chí của UNESCO về Di sản tư liệu - Di sản Ký ức, Cửu đỉnh hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về Ý nghĩa lịch sử, Hình thức và kiểu dáng, Ý nghĩa xã hội, Bình đẳng giới, Tính cộng đồng và tinh thần, Tính độc đáo, hiếm có, Tình trạng toàn vẹn, đầy đủ… Có thể khẳng định, Cửu đỉnh là bộ sưu tập hiện vật độc đáo và duy nhất không chỉ của Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia ngay trong đợt đầu tiên (ngày 1/1/2012), và tỉnh Thừa Thiên Huế rất tự tin khi chọn Bảo vật này để xây dựng hồ sơ, trình Ủy ban Di sản ký ức Thế giới của UNESCO.