Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu |
Những nhân vật được đưa vào danh sách là những người đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược, biết lựa chọn chiến thuật phù hợp, huy động được sức mạnh của đội quân do mình chỉ huy để làm nên một chiến thắng mang tính bước ngoặt của cả cuộc chiến, như Kutuzov (Nga) gắn liền với trận Borodino (năm 1812), Napoleon (Pháp) gắn liền với trận Auterlitz và các chiến dịch thu phục Italia, Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ XIX, Zhukov (Liên Xô) gắn liền với trận Stalingrad (năm 1942 - 1943). Với Trần Hưng Đạo là trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng (1288)... Và với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đó chính là trận Điện Biên Phủ (1954) - trận chiến đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương.
70 năm trôi qua, đã có rất nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu của cả nước ta cũng như của nước ngoài, nhất là nước Pháp, để đi tìm nguyên nhân, lý giải những nhân tố nào làm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp (với sự tiếp sức của Mỹ) - một công trình phòng ngự hiện đại, hoàn chỉnh, trang bị đầy đủ vũ khí, khí tài, có đội quân đông đảo, tinh nhuệ, là một pháo đài “bất khả xâm phạm” lại thất thủ dưới tay quân đội Việt Minh - một đội quân xuất thân đa số từ nông dân, chưa có nhiều kinh nghiệm tiến hành các trận đánh theo lối chiến tranh quy ước?
Tất nhiên, như trần tình trước Quốc hội Pháp sau thất thủ ở Điện Biên Phủ của tướng De Castries thì “người ta có thể chiến thắng một quân đội, nhưng không thể chiến thắng một dân tộc”. Đó là điều không có gì bàn cãi, bởi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta là chiến tranh nhân dân; đó là một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà những bộ óc quân sự hiếu chiến phương Tây khó mà hiểu được. Song, cũng chính những vị tướng thất trận ở Đông Dương ngày ấy cũng phải chua chát thừa nhận một sự thật rằng, Điện Biên Phủ thất thủ dưới tay quân đội Việt Minh còn bởi vì Việt Minh được chỉ huy bởi một thiên tài quân sự chưa qua một trường lớp quân sự chính quy nào - Đại tướng Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp.
Trở lại thời gian cuối năm 1953, đầu năm 1954, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta bước sang năm thứ 9, cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho ta và bất lợi cho địch, song vẫn còn trong thế giằng co. Pháp ngày càng sa lầy, tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến nhưng muốn giành lợi thế cho mình trong thương lượng với Chính phủ ta. Do vậy, Chính phủ Pháp (thông qua viên Tổng Chỉ huy Henri Navarre) đã vẽ ra một kế hoạch (có sự tham gia của cố vấn Mỹ) đầy tham vọng nhằm thu hút và tiêu diệt chủ lực quân ta, từ đó buộc ta phải nhân nhượng theo các điều kiện có lợi cho chúng.
Và thế là pháo đài “bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ ra đời. Về phía ta, trải qua quá trình kháng chiến, quân ta ngày càng lớn mạnh, trình độ tác chiến ngày càng được nâng lên, song ta vẫn chưa tiến hành được những chiến dịch mang tính quyết định để làm xoay chuyển cục diện chiến trường.
Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, trên cơ sở nắm bắt ý đồ của Pháp và so sánh tương quan lực lượng hai bên, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm đè bẹp hoàn toàn ý chí chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Chiến dịch. Có thể nói, đây không chỉ là sự tin tưởng, tín nhiệm của Đảng, của Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn là sự lựa chọn và tin tưởng của lịch sử đối với vị Đại tướng văn võ song toàn của Nhân dân ta.
Chiến dịch Điện Biên Phủ trong thực tế mở màn từ ngày 13/3/1954, song để có thể đi đến trận chiến mở màn đó là cả một quá trình chuẩn bị (và chuẩn bị lại) của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như biết bao nỗ lực, hy sinh gian lao vất vả của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.
Và thực tế đã chứng minh rằng, quyết định lùi kế hoạch tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của vị Đại tướng Tư lệnh Chiến dịch là một quyết định lịch sử, để làm nên một chiến công lịch sử. Chỉ với quyết định này, “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện một tài năng quân sự xuất chúng, một bản lĩnh, trí tuệ hơn người, thể hiện sự quyền biến nhất định phải có của người cầm quân đánh trận: biết thời, biết thế, biết tiến, biết thoái, biết cương, biết nhu... Diễn tiến của Chiến dịch suốt 56 ngày đêm sau đó là lời lý giải đanh thép nhất vì sao chỉ có quyết định “đánh chắc, tiến chắc” mới có thể mang lại thắng lợi cuối cùng.
Với Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đi vào sử sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là một danh tướng vĩ đại thời đại Hồ Chí Minh cũng như trong lịch sử dân tộc ta.