Mọi vị trí công việc luôn tiềm ẩn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nên cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt an toàn, vệ sinh lao động |
Tai nạn lao động rình rập
Trong một đêm mưa năm 2023, trên đường đi làm về, anh Ngọc Quốc, công nhân Công ty Scavi Huế không may bị tai nạn giao thông. Dù được lãnh đạo công ty, công đoàn quan tâm hỗ trợ, nhưng với thương tật hơn 40%, anh Quốc phải bỏ dở công việc với thu nhập ổn định. Hiện, anh phải sống phụ thuộc vào gia đình, người thân và cố gắng tập luyện phục hồi chức năng để mong có thể đi lại, tự lo cho bản thân.
Trường hợp chị Tr. ở phường Hương Vân, TX. Hương Trà bị mất một cánh tay do tai nạn lao động tại nhà máy xi măng đến giờ vẫn còn khiến nhiều người khiếp sợ mỗi khi nhắc đến thời khắc xảy ra sự cố. "Đối mặt với những cỗ máy vô tri, chỉ vì một giây, một phút lơ là, bất cẩn mà mình phải mang thương tật suốt đời. Nếu có thể làm lại, chắc chắn mình sẽ thật sự chú tâm, cẩn thận và phải trang bị thật tốt, thật kỹ kiến thức bảo hộ, an toàn lao động ở vị trí đứng việc", chị Tr. tâm sự.
Cũng mới đây, cả nước chưa hết bàng hoàng và đau xót khi liên tiếp 2 vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở nhà máy xi măng của tỉnh Yên Bái và nhà máy gỗ ở tỉnh Đồng Nai, làm 13 người tử vong và 8 người bị thương. Nguyên nhân các vụ việc đã được xác minh, nhưng hậu quả, hệ lụy để lại sau những vụ tai nạn lao động này không chỉ là thiệt hại về người mà còn là sự đau thương dai dẳng của gia đình, người thân và nỗi lo xảy ra tai nạn vẫn rình rập trong mỗi người lao động.
Quan tâm, động viên trường hợp không may bị tai nạn lao động ở TX. Hương Trà |
Dẫn chứng một vài vụ tai nạn lao động thương tâm gần đây để thấy rằng, ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào dù là công việc truyền thống hay công nghệ hiện đại đều đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Vì thế, để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động xảy ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải quan tâm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh nơi làm việc, xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí, bố trí nhân sự, kiện toàn bộ máy cho công tác ATVSLĐ.
Vẫn còn những "chệch choạc", nhưng thời gian qua, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm công tác ATVSLĐ. Căn cứ vào quy mô sản xuất, các đơn vị đã thành lập, bố trí bộ máy tham gia, giúp ban giám đốc doanh nghiệp và phối hợp với các bộ phận liên quan thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Đa phần các doanh nghiệp, nhà máy đều có bộ phận y tế để chăm sóc sức khỏe người lao động; sơ cứu, cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn, ốm đau đột xuất, kiểm tra việc chấp hành các quy định vệ sinh, môi trường lao động, phòng chống dịch bệnh đảm bảo theo quy định.
Tăng cường huấn luyện, kiểm tra, giám sát
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn trong thời gian làm việc, làm chết 5 người, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong năm 2023, Sở LĐTB&XH đã chủ trì phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiến hành 28 cuộc kiểm tra liên ngành tại 28 doanh nghiệp. Trong đó có 8 doanh nghiệp là nhà thầu thi công xây dựng tại 4 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra đã đề ra 95 kiến nghị về các giải pháp khắc phục kịp thời thiếu sót, tồn tại và xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp có hành vi vi phạm với tổng số tiền 48 triệu đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác ATVSLĐ vẫn còn gặp nhiều thách thức và nguy cơ. Nguyên nhân là do số doanh nghiệp và lao động tham gia thị trường lao động ngày càng nhiều, xuất hiện các ngành nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hóa chất mới... Trong khi đó, nhiều lao động vẫn chưa được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ, trình độ công nghệ sản xuất ở một số doanh nghiệp còn thấp dẫn tới nguy cơ mất an toàn lao động vẫn xảy ra.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 với chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" một lần nữa kêu gọi mọi người, mọi doanh nghiệp, cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động, biện pháp, tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; chăm lo và bảo vệ sinh mạng, sức khỏe cho người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, ngành sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ. Trong đó tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Về phía doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ông Hồ Dần cho rằng cần tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ; tự kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại. Thường xuyên cải thiện điều kiện lao động, đẩy mạnh công tác đánh giá, rà soát các nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ, kỹ năng đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; tăng cường phòng ngừa hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.