Nguồn vốn tín dụng giúp nhiều người dân thoát nghèo |
Trợ lực
Đưa A Lưới thoát khỏi huyện nghèo là mục tiêu quan trọng trên bước đường phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tận dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân ổn định kinh tế, tăng thu nhập là một trong những giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, để nguồn vốn này đến tận tay người dân và phát huy được hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài sự tham gia của Ngân hàng Chính sách xã hội còn có sự đồng hành, nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự theo sát của hội đoàn thể, chính quyền địa phương.
Nhìn vào chặng đường thoát nghèo của anh Trần Văn Nghiệp, thôn Đút 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới phần nào thấy được điều đó. Bởi trong hành trình thoát nghèo của mình, nguồn vốn tín dụng chính sách chính là “trợ lực” giúp anh mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu không có sự theo sát động viên của chính quyền, các hội đoàn thể, cơ ngơi của gia đình anh cũng khó có thể được như ngày hôm nay.
Anh Nghiệp nói, mình tiếp cận với vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội từ khi lập gia đình. Ban đầu, mình chỉ sử dụng vốn vay có các mục đích nhỏ. Sau đó, mình được chính quyền, hội đoàn thể hỗ trợ tư vấn một số mô hình kinh tế, được trang bị các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cơ bản. Nhờ đó, nguồn vốn mới thật sự phát huy được hiệu quả. Đến nay, gia đình mình đã phát triển được 3ha rừng, đàn 10 con cả bò mẹ và bò con và nhiều loại gia cầm khác, đời sống gia đình được cải thiện đáng kể.
Quả thực với điều kiện gần 80% dân số là đồng bào dân tộc, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nếu chỉ với nguồn vốn tín dụng mà không có sự đồng hành từ chính quyền các cấp thì hiệu quả phát triển kinh tế cũng như giảm nghèo bền vững ở A Lưới sẽ giảm đi đáng kể.
Tăng gắn kết
Qua gần 21 năm, đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đã vượt qua chênh vênh về địa lý đến với người dân cùng cao. Nhờ đó, nhiều hộ dân vùng cao A Lưới đã dần thoát được nghèo đói. Thông qua nguồn vốn giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, có vốn đầu tư nhà cửa, công trình nước sạch và vệ sinh cho hộ gia đình được xây dựng. Những kết quả đó là tiền đề để A Lưới thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập cho người dân.
Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội A Lưới chia sẻ, Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống đã tạo bước đột phát trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc lồng ghép, phối hợp giữa chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước với các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện A Lưới xác định sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách của Nhà nước nói chung, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tới Nhân dân các dân tộc trong huyện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội; kịp thời phát hiện và xử lý những sai sót và xử lý nợ rủi ro theo quy định.
Đến 31/3/2024, tổng dư nợ trên địa bàn A Lưới đạt trên 541 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2023 giảm 25,68%, còn 24,3%, so với thời điểm cuối năm 2021, góp phần thực hiện mục tiêu đưa A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo của cả nước.