Đào tạo phát triển kỹ năng nghề trong trường học, cũng như thực tập tại doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người học |
Chú trọng vai trò của doanh nghiệp
Xây dựng NNL, nhất là nhân lực chất lượng cao được tỉnh đặc biệt quan tâm. Việc phát triển và nâng cao chất lượng NNL cần đảm bảo đủ về quy mô và chất lượng trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, chú trọng phát triển nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa NNL chất lượng cao trở thành yếu tố nền tảng và lợi thế cạnh tranh quan trọng để tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, động lực của tỉnh.
Tuy vậy, bài toán nhân lực chất lượng cao tại Huế hiện đang đối mặt với một thách thức lớn, đó là thiếu và yếu kỹ năng nghề của lực lượng lao động. Trong bối cảnh môi trường kinh tế ngày càng biến động, đòi hỏi sự chuyển đổi linh hoạt và đa nhiệm từ NNL chất lượng cao, việc thiếu hụt kỹ năng nghề có chất lượng là một rủi ro lớn đối với sự phát triển bền vững của địa phương.
Cụ thể, nhiều ngành công nghiệp tại Huế đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có kỹ năng chuyên môn cao. Những lĩnh vực như CNTT, du lịch, sản xuất và dịch vụ đều đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân sự có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng nghề một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, sự chênh lệch giữa yêu cầu của doanh nghiệp (DN) và những gì hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang cung cấp. Điều này góp phần làm tăng lên khoảng trống kỹ năng và làm giảm khả năng hấp thụ lao động tại Huế vào các ngành công nghiệp hiện đại. Vấn đề thiếu và yếu kỹ năng nghề không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của DN mà còn ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ từ chính quyền, DN và hệ thống giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo lao động tại Huế sẽ có đủ kỹ năng cần thiết để đối mặt với thách thức của thị trường lao động ngày càng phức tạp.
Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã có những bước đi quyết liệt thông qua các kế hoạch, đề án nhằm phát triển NNL chất lượng cao của địa phương, cũng như cụ thể hóa theo từng ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung đẩy mạnh; đồng thời, chú trọng vai trò của DN trong tham gia, đồng hành đào tạo phát triển kỹ năng nghề trong trường học, cũng như thực tập tại DN nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho người học.
Giải pháp kép
Thời gian qua, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển toàn diện về chất lượng và quy mô đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh được quan tâm, đầu tư và đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác đào tạo, cung ứng nguồn lao động có tay nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2022 đạt hơn 68%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh được quy hoạch bố trí từ đồng bằng đến miền núi, đa dạng về ngành nghề và trình độ đào tạo, vừa tạo điều kiện cho người học, vừa thuận lợi trong đào tạo, cung ứng lao động cho các khu, cụm công nghiệp và các đô thị, địa phương tập trung nhiều lao động có nhu cầu học nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, sự phát triển của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự đồng bộ, kết quả đào tạo của người học chưa gắn với nhu cầu của DN, cũng như chưa gắn được vai trò, trách nhiệm của DN trong việc tiếp nhận NNL từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tham gia vào quá trình lao động sản xuất tại DN…
Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh công tác đào tạo kỹ năng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu DN là một giải pháp và “chìa khóa” giúp tăng tính sẵn sàng và cạnh tranh của người lao động khi tham gia thị trường. Việc này đòi hỏi một cơ chế phối hợp giúp khối cơ quan quản lý, nhà trường và DN cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ những khó khăn của chính mỗi cơ quan, tổ chức và những thách thức chung để nâng cao chất lượng và kỹ năng của người lao động. Việc thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp tỉnh mới đây là bước đi cần thiết tạo cơ chế đối thoại, tích hợp sâu của các bên để tham mưu cho những giải pháp phát triển các kỹ năng nghề.
Trong đó, việc thành lập các tiểu ban phát triển các kỹ năng nghề đặc thù trong mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp được xem là bước chuyên môn hóa công tác tham mưu, chỉ đạo để tăng cường hoạt động đào tạo ngày càng trở nên thiết thực, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp “thực tâm, thực tài, thực nghề”. Đặc biệt, với cơ cấu tổ chức gắn với việc thành lập các tiểu ban phát triển các kỹ năng nghề cho những ngành ưu tiên trọng điểm của địa phương sẽ giúp đưa ra những giải pháp đột phá cho từng ngành nghề cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.