Tham gia BHYT, người bệnh được KCB và chi trả các khoản viện phí theo quy định nhằm giảm áp lực về kinh tế |
Là lao động chính trong gia đình với nghề xây dựng, đầu tháng 3/2024 ông Nguyễn Văn Dũng trú tại phường Hương An, TP. Huế thấy khó tiểu kèm chứng đau lưng nên đến bệnh viện khám. Sau khi thăm khám, siêu âm và chụp MRI, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật gấp và cắt bỏ 1 quả thận kèm khối u vì phát hiện khối u ác tính ở thận với kích thước lớn. Quá đột ngột nên cả hai vợ chồng nơm nớp lo âu, cầu mong cho bệnh tình thuyên giảm. Song, may mắn với anh chị là dù làm công việc lao động tự do nhưng nhiều năm qua, anh Dũng đều đặn tham gia BHYT để bảo vệ sức khỏe nên khi vào viện, các chi phí khám, chữa bệnh đều được Quỹ BHYT chi trả 80% nên giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Chị Hoàng Thị Mai, vợ anh Dũng chia sẻ: “Nếu không tham gia BHYT chắc gia đình phải vay mượn khắp nơi mới đủ số tiền hơn 80 triệu đồng trang trải các chi phí điều trị bệnh của anh. Đúng là đóng góp khi lành, để dành khi ốm”.
Theo số liệu từ BHXH tỉnh, tháng 3/2024 chi phí KCB BHYT phát sinh trên địa bàn tỉnh là 140.417 triệu đồng, lũy kế chi phí KCB BHYT 3 tháng đầu năm 2024 là 540.534 triệu đồng. Trong đó, đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh có hơn 1.155 ngàn người tham gia BHYT, độ bao phủ BHYT đạt 99,9% so với dân số toàn tỉnh.
Qua tìm hiểu, Luật BHYT quy định người dân được tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, gồm nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình gồm toàn bộ thành viên của 1 hộ gia đình đăng ký thường trú, tạm trú, trừ đối tượng đã được cấp thẻ BHYT ở các nhóm đối tượng khác và người đã khai báo tạm vắng. Theo quy định, người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được hưởng các quyền lợi, như: được cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp thẻ BHYT khi đóng BHYT; được lựa chọn một cơ sở y tế thuận lợi theo hướng dẫn của cơ quan BHXH để đăng ký nơi KCB ban đầu, được đổi nơi đăng ký ban đầu vào mỗi quý; được KCB và được cơ quan BHXH thanh toán chi trả chi phí KCB theo Luật BHYT…
Trong đó, tham gia BHYT hộ gia đình từ người thứ hai trở đi sẽ được giảm trừ mức đóng, người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở: 81.000 đồng/tháng (972.000 đồng/năm), người thứ hai đóng 70% mức đóng của người thứ nhất: 56.700 đồng/tháng (680.400 đồng/năm), người thứ ba đóng 60% mức đóng của người thứ nhất: 48.600 đồng/tháng (583.200 đồng/năm), người thứ tư đóng 50% mức đóng của người thứ nhất: 40.500 đồng/tháng (486.000 đồng/năm) và người thứ năm trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất: 32.400 đồng/tháng (388.800 đồng/năm).
Cùng với đó, quy định tham gia BHYT hộ gia đình không bắt buộc cả hộ gia đình đóng tiền cùng một thời điểm mà có thể mua nhiều lần trong năm tài chính vẫn được giảm trừ mức phí từ thành viên thứ hai trở đi. Người tham gia BHYT được lựa chọn đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần… nhằm giảm gánh nặng tham gia BHYT cho nhiều hộ gia đình khó khăn.
Như vậy, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình còn từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh, mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau, mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân. Đây được coi là hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành - để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi bản thân hoặc thành viên trong gia đình không may bị ốm đau, bệnh tật.