Đốt rạ trên đồng |
Về các xứ đồng trong những ngày này rất dễ bắt gặp tình trạng người dân đốt đồng khá phổ biến. Việc đốt rơm rạ trên đồng không chỉ tác hại đến môi trường đồng ruộng, mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường. Khói rơm rạ trên đồng bay vào nhà ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là trẻ em và người già khiến nhiều hộ bức xúc.
Trên địa bàn tỉnh có diện tích gieo cấy lúa đông xuân khoảng 28 ngàn ha. Sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân, nông dân khẩn trương làm đất để gieo cấy vụ hè thu khoảng giữa tháng 5. Để đảm bảo kịp thời gian gieo cấy lúa hè thu, phần lớn nông dân chọn cách đốt rơm rạ trên đồng ruộng.
Theo quan điểm của nông dân, rơm rạ được đốt ngay tại đồng sẽ giúp giải phóng mặt bằng nhanh gọn hơn, nhất là sau thu hoạch vụ đông xuân, chuẩn bị vụ hè thu. Đốt rơm rạ trên đồng còn giúp giảm bớt chi phí làm đất, máy cày đất dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiêu diệt mầm bệnh gây hại tồn tại trên rơm rạ…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều Chinh - Trung tâm Khuyến nông tỉnh, những quan điểm của bà con nông dân cho thấy chỉ lợi ích trước mắt, còn lâu dài sẽ tác hại rất lớn mà con người không thể kiểm soát và xử lý được. Một số minh chứng nêu ra, việc đốt rơm rạ trên đồng đồng nghĩa với việc thải ra một lượng khí độc, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; tạo hiệu ứng nhà kính, một phần tác động đến tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đốt rơm rạ còn tiêu diệt các loài côn trùng có ích cho đồng ruộng, làm mất cân bằng hệ sinh thái, nguy cơ bùng phát sâu bệnh gây hại khiến chi phí sản xuất lúa tăng cao, dẫn đến sản xuất lúa ngày càng khó khăn, hiệu quả thấp. Việc nung đốt ở nhiệt độ cao làm cho lượng nước khá lớn trong đất bị bốc hơi, về lâu dài sẽ làm đất biến chất và trở nên chai cứng, thoái hóa. Và trong khi giá phân bón tăng cao như hiện nay thì việc đốt rơm trên đồng sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên lớn để chế biến thành phân bón hữu cơ.
Tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tuy có giảm, nhưng vẫn còn khá phổ biến. Các sở, ban ngành và chính quyền địa phương đã thành lập đường dây nóng, triển khai ứng dụng trên Huế-S để tiếp nhận phản ánh từ các tổ chức, cá nhân khi phát hiện tình trạng đốt rơm rạ trên đồng. Riêng ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân không đốt rơm rạ trên đồng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Mô hình thu gom bằng máy cuốn rơm triển khai từ năm 2019 đến nay, cho thấy không chỉ lợi ích trong cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa mà còn bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 111 máy cuộn rơm chỉ đáp ứng nhu cầu một phần nào đó diện tích lúa trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Khuyến nông còn thực hiện thành công mô hình áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa đông xuân để tăng năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong vụ hè thu. Theo bà Nguyễn Thị Kiều Chinh, để xử lý hiệu quả nguồn rơm rạ trên đồng sau thu hoạch cần áp dụng kết hợp cả hai phương thức thu gom rơm bằng máy cuộn và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học. Đây là biện pháp nhằm tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng tốt và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.