Đầu tư nâng cấp luồng tàu, vũng quay tàu khu vực Chân Mây đảm bảo an toàn cho tàu trọng tải đến 70.000 tấn |
Với mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình, DA hạ tầng cảng biển, phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa, phát triển liên vùng.
Mới đây, DA đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây đã khởi công tại tại Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (Phú Lộc). Đây là công trình huy động, sử dụng vốn ngoài ngân sách, do Công ty cổ phần Hàng hải Vsico làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.678 tỷ đồng. DA sẽ xây dựng 2 cầu cảng liên hoàn dài 540m, đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEU.
Sau khi hoàn thành bến số 4 và số 5 sẽ nâng tổng chiều dài các cầu cảng lên 1.450m. Cùng với việc hoàn thành giai đoạn 2 công trình đê chắn sóng cảng Chân Mây với chiều dài 750m, sẽ đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, tăng thời gian khai thác tàu trong năm (kể cả mùa mưa); tạo động lực và khí thế mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay cảng Chân Mây đã vượt công suất thiết kế 50% (năng lực thiết kế 4,0 triệu tấn/năm nhưng thực tế khai thác 6 triệu tấn/năm). Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 25%, theo dự báo và quy hoạch đến năm 2025, phải phát triển từ 5 cầu cảng đến 7 cầu cảng với tổng chiều đến 1.930m, năng lực thông qua từ 7,5 triệu tấn đến 13,8 triệu tấn. Việc đầu tư xây dựng bến số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây là bước chuẩn bị kịp thời để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng gia tăng trong các năm tiếp theo.
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam có buổi làm việc với tỉnh về công tác quản lý hạ tầng, vận tải, quy hoạch và đầu tư phát triển cảng biển. Theo định hướng quy hoạch và đầu tư phát triển cảng biển tỉnh, Khu bến Phong Điền đến năm 2030 quy mô phát triển từ 8 đến 12 cầu cảng với tổng chiều dài từ 1.250m đến 2.620m, năng lực thông qua từ 6 triệu tấn đến 11 triệu tấn.
Theo UBND tỉnh, cảng Phong Điền thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh đang kêu gọi đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các bến cảng thuộc Khu bến Phong Điền. Hiện nay đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia, đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư DA theo quy định.
Sở KH&ĐT cho biết, đối với bến số 1 cảng Phong Điền (Khu bến Phong Điền), tháng 8/2023, liên danh Công ty cổ phần Stavian VP, Công ty cổ phần VP Silica và Công ty CP liên danh cảng quốc tế Mỹ Thủy đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư DA. Cuối năm 2023, Sở KH&ĐT có văn bản về việc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ DA bến cảng Phong Điền, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc xin ý kiến thống nhất về chấp thuận chủ trương đầu tư DA.
Cũng trong cuối năm 2023, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho nghiên cứu DA đầu tư bến số 2, số 3 cảng Phong Điền (Khu bến Phong Điền). Theo đó, thống nhất chủ trương cho Công ty cổ phần đầu tư PTS Viễn Đông (nhà đầu tư) nghiên cứu DA, với diện tích khoảng 400ha tại xã Điền Lộc và Điền Hòa, huyện Phong Điền. Trong đó, phần mặt đất (hậu phương đường dẫn) khoảng 13ha, phần mặt nước biển khoảng 396ha.
Liên quan đến Khu bến Chân Mây, về bến cảng container, tổng hợp, quy mô phát triển từ 8 đến 10 cầu cảng với tổng chiều dài từ 2.431m đến 3.231m, năng lực thông qua từ 16,1 triệu tấn đến 23,0 triệu tấn và từ 324.100 lượt khách đến 345.000 lượt khách. Đối với bến tàu khách theo quy hoạch nhóm cảng biển, bến tàu khách bố trí về phía Tây khu cảng (các bến tiềm năng), với chiều dài đề xuất là 750m.
UBND tỉnh kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam, việc đầu tư bến chuyên dụng phục vụ tàu khách hiện nay khó khả thi. Mặt khác, hiện nay Công ty cổ phần cảng Chân Mây đã hợp tác với hãng tàu khách Roya Caribean để đón tàu khách tại Bến số 1 – cảng Chân Mây đến năm 2035. Vì vậy, UBND tỉnh kiến nghị quy hoạch Bến số 1 – cảng Chân Mây làm bến lưỡng dụng (bến hàng hóa và hành khách, du lịch) nhưng cơ bản và ưu tiên nhất là phục vụ tàu khách, tàu du lịch. Đồng thời kéo dài bến số 1 về phía Bắc thêm khoảng 60m, đảm bảo tổng chiều dài bến số 1 đến 420m, nâng công suất cập tàu từ 70.000 tấn lên 200.000 tấn khi đủ điều kiện…
Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác các bến cảng khu vực Chân Mây, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải tại khu vực, đáp ứng khai thác hiệu quả luồng tàu, vũng quay tàu, hiệu quả khai thác, kinh doanh của các chủ tàu, doanh nghiệp cảng..., Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam sớm trình Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Bộ GTVT bổ sung kế hoạch nạo vét, duy tu vũng quay tàu Khu bến Chân Mây năm 2024 đạt độ sâu đến – 12m (hải đồ). Đầu tư nâng cấp luồng tàu, vũng quay tàu khu vực Chân Mây đảm bảo an toàn cho tàu trọng tải đến 70.000 tấn giảm tải ra vào cảng trong giai đoạn 2025-2026. Cải tạo, nâng cấp luồng Chân Mây cho tàu trọng tải đến 150.000 tấn. Đầu tư đê chắn sóng phía Tây khu bến Chân Mây năm 2030.