Lấy tạng hiến tại Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh |
Số ca ghép tăng gấp 4 trong 10 năm qua
Trong 10 năm qua, số ca ghép tạng tăng gấp 4 lần; đặc biệt hai năm trở lại đây, mỗi năm ghép hơn 1.000 ca. Tổng số ca ghép tạng/năm cao nhất Đông Nam Á. Việt Nam là nước ASEAN duy nhất ghép >1.000 ca/năm, cao nhất Đông Nam Á. Kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam được đánh giá không hề thua kém thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu ghép rất lớn, hàng ngàn người suy tạng trong cả nước đang chờ cơ hội sống tiếp từ nguồn tạng hiến.
BVTW Huế được đánh giá là một trong bốn bệnh viện trong toàn quốc ghép hơn 1.000 ca/năm và quy trình, lấy-ghép được đánh giá khá bài bản, trong đó nổi bật là những ca ghép tạng xuyên Việt tạo dấu ấn trong lĩnh vực này. Đến nay, BVTW Huế triển khai hơn 1.800 ca ghép mô, tạng; tỷ lệ ghép tạng thành công cao của cả nước.
Tuy nhiên, thực tế tạng hiến từ người chết não mới chỉ chiếm 6%; tạng hiến từ người sống chiếm 94%. Trong khi ở các nước châu Âu, Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, nguồn hiến tạng từ người chết não chiếm 60-90%.
Tại 3 các quốc gia có văn hóa tương đồng với Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan), nguồn hiến từ người chết não, chết tim tăng rất nhanh, chiếm 40-80% tạng hiến. Như thực trạng chung của ngành ghép tạng Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của bệnh viện không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện được cấy ghép. Ở nhiều nước trên thế giới, khoảng 90% tạng ghép là từ nguồn hiến tặng sau khi chết não, ngưng tim nhưng ở nước ta nguồn tạng ghép vẫn chủ yếu từ người cho sống.
Vì sao người dân chưa thực sự ủng hộ hiến tạng từ người chết não (cần sự chung tay của toàn xã hội, chính quyền, bộ, ban, ngành…). PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc TTĐPGTQG chỉ ra: Trong số 10 yếu tố liên quan tới tỷ lệ hiến tạng từ người chết não thì 7/10 yếu tố trong bệnh viện; 3 yếu tố liên quan tới hệ thống (Bộ y tế, TT điều phối quốc gia, Luật). Do đó, hội thảo cần chỉ rõ những vướng mắc nhằm chung tay tháo gỡ và phát triển mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng.
“Cần thêm những cánh tay nối dài”
Đến nay, cả nước có 6/26 BV ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Điều này là một trong những lý do khiến tỷ lệ chết não hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng trong hơn 10 năm qua. Việc triển khai chẩn đoán và hồi sức chết não tại các bệnh viện hiến (bệnh viện chưa ghép tạng) theo mô hình các nước phát triển, là định hướng của TTĐPGTQG.
Để thay đổi được những suy nghĩ của cộng đồng về lĩnh vực này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa to lớn của hiến mô, tạng.
Chăm sóc BN ghép tim từ tạng hiến tháng 4/2024 |
Tại hội thảo, đại diện một số bệnh viện khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất chung về mặt quản lý để triển khai có hiệu quả việc chẩn đoán chết não và tư vấn cho người dân muốn hiến tặng mô tạng khi chết não.
Đại diện BV đa khoa khu vực Tây Nguyên nêu thực trạng tại địa bàn là người dân có nhu cầu hiến tạng nhưng đơn vị không có chức năng đăng ký, phải hướng dẫn người dân đến các BV đủ điều kiện ở các tỉnh thành khá xa. “Liệu có thể đăng ký online hoặc qua app nhằm tạo sự thuận tiện và tăng nguồn tạng hiến được không”? người này nêu. Tương tự, đại diện Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cũng thông tin: “Vừa rồi, một số trường hợp đến đăng ký hiến tặng mô tạng, chúng tôi buộc phải giới thiệu vào Bệnh viện Trung ương Huế để được tư vấn, hướng dẫn. Để việc này được triển khai một cách có hiệu quả, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn từ cơ sở đến tuyến trên và có quy định chung”.
Trong khi đó, Th.S Huỳnh Thị Thu Thuỷ, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum) cho hay, lãnh đạo bệnh viện rất quan tâm đến vấn đề hiến tặng mô tạng và đang xây dựng quy trình chẩn đoán chết não, quy trình đối với người hiến tặng và quy tình lập tổ tư vấn hiến tạng. Mới đây, đơn vị này nhận 3 lá thư viết tay có nguyện vọng được hiến mô tạng, Ban Giám đốc BV đã cử người đến tận nơi tư vấn, hướng dẫn. “Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào hệ thống hiến, ghép mô tạng. Hy vọng BV sẽ là cánh tay nối dài trong hệ thống hiến, ghép tạng quốc gia”, bà Thủy nói.
BVTW Huế thăm, tri ân gia đình người hiến tạng Nghệ An năm 2024 |
GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam chia sẻ mô hình, kinh nghiệm hoạt động của hiến, ghép mô tạng tại đơn vị. Qua đó, nêu bật sự chủ động, kích hoạt hệ thống sớm, hiệp đồng “tác chiến” giữa các bộ phận hiệu quả. “Hàng năm, Trung tâm Ghép tạng BVTW Huế đều tổ chức thăm hỏi, tri ân và hỗ trợ gia đình người hiến tạng. Việc này giúp nâng cao nhận thức và lan tỏa nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng trong cộng đồng”, GS Hiệp nhấn mạnh.
PGS.TS. Đồng Văn Hệ cho biết, Trung tâm đã xây dựng mạng lưới 16 bệnh viện miền Bắc, trong đó, 7 bệnh viện ghép (đã ghép tạng), 9 bệnh viện hiến (chưa ghép). Kết quả sau 1 năm triển khai mạng lưới, có 33 trường hợp gia đình đồng ý hiến (16 bệnh viện). Trong khi tất cả các bệnh viện cùng quy mô của Việt Nam (450 bệnh viện) chỉ có 2 trường hợp đồng ý hiến. “Điều này cho thấy tính hiệu quả và tầm quan trọng trong xây dựng mạng lưới hiến mô/tạng. Mô hình xây dựng tổ tư vấn tại 16 bệnh viện cho thấy tính hiệu quả và khả thi như mô hình Tây Ban Nha, Pháp đã làm. Chúng ta có thể nhân rộng mô hình này trên toàn quốc”, PGD Hệ khẳng định.