Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì, điều hành hội nghị

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì, điều hành hội nghị.

Ngay sau khi Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc, các UVTV Tỉnh ủy: Hoàng Khánh Hùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh; Phan Xuân Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh quán triệt một số văn bản mới của Trung ương.

Điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn

Trình bày Tờ trình liên quan Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 và 12, Tỉnh ủy đã cho ý kiến và thống nhất nội dung về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong quá trình triển khai thực hiện và tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh phương án trong Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm để Tỉnh ủy thảo luận, cho ý kiến về phương án sắp xếp địa giới hành chính giữa huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông.

Thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc (nhập toàn bộ diện tích, quy mô dân số của huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc để thành lập huyện mới có tên gọi là huyện Phú Lộc); thành lập thị trấn Lộc Sơn trên cơ sở địa giới hành chính xã Lộc Sơn.

Về phương án thành lập TX.Phong Điền và sắp xếp, thành lập các xã, phường thuộc TX từ 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 15 xã và 1 thị trấn) thành 12 đơn vị (trong đó, sắp xếp 8 xã để thành lập mới 3 phường, 1 xã); thành lập phường Long Hồ (TP. Huế) trên cơ sở nhập toàn bộ xã Hương Thọ và phường Hương Hồ; thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập toàn bộ xã Phú Dương, xã Phú Mậu và xã Phú Thanh…

Điều chỉnh địa giới hành chính của TP. Huế thành Quận Phú Xuân và Quận Thuận Hoá. Cụ thể, Quận Phú Xuân gồm 13 phường (An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Kim Long, Hương Sơ, Hương Long, Phú Hậu, Hương An, Hương Vinh, Long Hồ); Quận Thuận Hoá gồm 19 phường (An Cựu, An Tây, Vỹ Dạ, Phước Vĩnh, Trường An, Phú Nhuận, Thủy Biều, Phú Hội, An Đông, Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Thủy Xuân, Xuân Phú, Thủy Vân, Phú Thượng, Hương Phong, Thủy Bằng, Thuận An, Dương Nỗ)…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao về đề án và cho rằng, các phương án nêu trong đề án được xem xét, tham vấn kỹ càng của các cơ quan chuyên môn; tuy nhiên, vẫn còn có các ý kiến tham gia đề xuất giải quyết các vướng mắc, điều chỉnh phù hợp thực tế.

Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn thống nhất cao với Tờ trình và phương án, nhưng đề nghị, sau khi các đề án được phê duyệt, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo sát sao các ngành để có sự đồng bộ trong rà soát, đánh giá lại các tiêu chí đô thị khi sáp nhập.

Bí thư Thị ủy Hương Trà Hà Văn Tuấn cho biết, thị xã đã thực hiện lấy ý kiến Nhân dân về những nội dung liên quan đến đề án và đạt được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, những vấn đề về đầu tư nguồn lực cho các xã mới được lên phường chưa tương xứng, cần có sự quan tâm nhiều hơn.  

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Đại Viên cho ý kiến, đưa các xã lên phường là tăng diện tích đô thị, thay đổi nội thị. Các xã phải đánh giá lại phân loại đô thị, phải có lập lại quy hoạch chung đô thị nên cần có nhiều thời gian. Sở Xây dựng thống nhất chưa đưa ra phương án xã lên phường tại TX. Hương Thủy và TX. Hương Trà như Đề án đã nêu.

Bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Giải trình thêm một số vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, lãnh đạo tỉnh rất sát sao, quan tâm đến việc thành lập đề án đến phát triển đô thị. Hiện tại, nguồn lực toàn tỉnh tập trung cho phát triển đô thị cao, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện đứng top đầu của cả nước. Thế nhưng, nguồn lực đầu tư vẫn không nhiều, chưa được như mong muốn, rất cần các địa phương tiếp tục chia sẻ khó khăn.  

Việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện trong quãng thời gian dài, nhiều trăn trở. Do vậy, phải làm từng bước trên cơ sở khoa học, thay đổi hợp lý để tạo sự thống nhất từ bộ, ban, ngành đến Trung ương. Việc nhập tách không có gì mới, không đáng lo lắng. Vấn đề ở đây là quyết tâm để thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, các tiêu chí để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các địa phương được sắp xếp và các địa bàn còn yếu về tiêu chí đô thị cần nêu cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền địa phương, với quyết tâm vươn lên. Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo để có sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từng vấn đề, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nội dung mà hội nghị Tỉnh ủy đã đề ra

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị, các cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, người đứng đầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy; thường xuyên bám sát cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh đề án; cấp ủy các địa phương bám sát chủ trương, hướng dẫn cấp trên chủ động thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội; rà soát, đánh giá các tiêu chí, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thu hoạch vụ Đông Xuân; chuẩn bị các điều kiện tổ chức thành công tuần lễ Festival Huế 2024.

Bài, ảnh: PHONG ANH