Ra quân xử lý cây mắt mèo |
Thông qua phong trào “Nông dân Thừa Thiên Huế nói không với bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đốt rơm rạ trên đồng ruộng” được HND tỉnh phát động, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình “Nông dân với công tác bảo vệ môi trường” đi vào hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng.
HND thị xã Hương Trà, thành phố Huế, huyện Phú Lộc tổ chức phát động phong trào "Nông dân nói không với bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đốt rơm rạ trên đồng ruộng". Các đơn vị đã tặng 15 thùng rác được đặt tại các xã, phường. Có gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân ra quân vệ sinh môi trường tại các đồng ruộng của các địa phương. Đồng thời, các đơn vị cơ sở Hội cũng đã tham gia ký kết thực hiện "Nói không với bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đốt rơm rạ trên đồng ruộng”.
Bà Đặng Hoàng Ái Thụy, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc cho biết, sau mỗi đợt ra quân dọn rác như thế này đã giải quyết được lượng rác thải cơ bản trên địa bàn và nâng cao nhận thức người dân, thực hiện tốt các phong trào bảo vệ môi trường. Đó là thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng huyện Phú Lộc sáng - xanh - sạch, không rác thải. Quan trọng hơn, người nông dân đã hình thành ý thức thu gom rác thải độc hại, dần từ bỏ thói quen vứt vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi.
Các cơ sở HND của Phú Lộc phối hợp với các lực lượng của thôn đã phát động 714 lần ra quân đồng loạt, kết quả với khoảng 32 ngàn lượt người tham gia; thu gom 752m3 rác thải đến điểm tập kết xử lý rác, trồng 7.500 cây xanh; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng dài hàng cây số, nhiều đường được dọn dẹp, phát quang, làm vệ sinh xanh - sạch - sáng.
HND thị xã Hương Thủy cùng với cán bộ, hội viên, nông dân trên toàn thị xã ra quân với 2.600 lượt người tham gia làm vệ sinh các tuyến đường, diệt cây mai dương, thu gom rác, vớt bèo, lò đốt rác ở các thôn. Điển hình như HND phường Thủy Phương phối hợp với UBND phường vớt bèo trên dòng sông Vực ước tính 85m3; trồng 60 cây phượng trên tuyến đường dài từ 900m tại Dạ Lê. Hội Nông dân phường Thủy Dương phối hợp với các đoàn thể phường Thủy Dương vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện chương trình sáng Chủ nhật “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”. Hội Nông dân xã Dương Hòa phối hợp với Chi hội HND thôn Buồng Tằm tổ chức làm vệ sinh, phát quan tuyến đường dài 1,2km.
Phong trào “Nông dân bảo vệ môi trường” được Trung ương HND Việt Nam đề ra chỉ tiêu để thực hiện hàng năm. Theo đó, HND tỉnh đã tích cực thực hiện, hàng năm chỉ tiêu đạt trên 100%. Cùng với phong trào Ngày Chủ nhật xanh của tỉnh phát động, 5 năm qua các cấp HND xây dựng và duy trì 236 tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”; xây dựng được 632 mô hình bảo vệ môi trường, 100% các xã, phường, thị trấn đều thành lập mới và duy trì mô hình “Tuyến đường nông dân tự quản”...
Riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 35 mô hình nông dân bảo vệ môi trường. Các hoạt động đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đô thị xanh, sạch, đẹp, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Hội Nông dân các cấp tích cực thực hiện phong trào “Nông dân Thừa Thiên Huế nói không với bao bì thuốc bảo vệ thực vật và đốt rơm rạ trên đồng ruộng”, tham gia phong trào Ngày Chủ nhật xanh, “tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự trị an”. Theo đó, đã lắp đặt 25 bảng tên, pano tuyên truyền về việc bỏ rác thải thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định tại các đội sản xuất trên địa bàn xã, phường, xây mới 5 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng.
100% cơ sở hội hưởng ứng thực hiện ra quân dọn vệ sinh các tuyến đường với chiều dài 125,3km, trồng 3.110 cây xanh tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, Trung ương HND Việt Nam tiến hành khảo sát địa bàn triển khai dự án "Mô hình điểm HND tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn" tại xã Phú Diên (Phú Vang). Dự kiến, dự án được triển khai trên địa bàn toàn xã Phú Diên với hơn 2.000 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 4,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương HND Việt Nam 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023, kinh phí địa phương và người dân đóng góp tối thiểu 30%.