Hoạt động phối hợp với Thư viện Tổng hợp tỉnh |
Theo thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hải, từ năm 2023, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh đã triển khai hoạt động đọc sách tại thư viện như là một tiết học độc lập. Nhà trường bố trí vào thời khóa biểu các lớp từ 1 – 2 tiết/tuần cho các em học sinh đến đọc sách tại thư viện trường. Các lớp học cũng được trang bị tủ sách riêng, được trường luân chuyển 20 – 30 đầu sách khác nhau về hàng tuần. Nhân viên thư viện và các giáo viên của trường, đặc biệt là giáo viên môn văn được phân công kể chuyện sách, bình sách trực tiếp hằng tuần và trực tuyến nếu thời tiết không thuận lợi. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động liên quan tới đọc, viết dành cho các em học sinh để những mầm non đất nước hiểu hơn về giá trị của văn hóa đọc, từ đó yêu thích hoạt động đọc sách hơn.
Được xây dựng với mục tiêu trở thành nơi để các em học sinh có thể vừa học vừa chơi, giúp các em phát triển sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách, thư viện chính là địa chỉ đáng tự hào của Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh. Với sự đồng lòng của giáo viên, phụ huynh, cựu học sinh và sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh, thư viện trường sở hữu một lượng lớn đầu sách rất phong phú về thể loại, chất lượng phù hợp với lứa tuổi. Thư viện mở cửa vào tất cả các buổi trong tuần học, hai buổi/tuần vào dịp hè. Thư viện trở thành một địa chỉ được học sinh ở đây yêu thích bởi không gian xanh - sạch - mát, đồng thời thoải mái chọn sách trực tuyến, trực tiếp. Ngoài 4 máy tính kết nối mạng, còn có các bộ cờ vua, màu, giấy vẽ, tài nguyên Ebooks sẵn sàng phục vụ các bạn học sinh, điều này đặc biệt thiết thực đối với học sinh nông thôn.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh đã thiết kế chuỗi hoạt động phong phú với tiêu chí “Mỗi hoạt động một điểm nhấn”. Trong tháng Tư vừa qua, trường còn mời nhà giáo, nhà thơ Mai Văn Hoan về giao lưu với chương trình “Trò chuyện với diễn giả về sách và văn hóa đọc”. Với lối suy nghĩ “Văn học là nhân học”, nhà thơ mở ra một cánh cửa mới, một cách suy nghĩ mới cho những em học sinh của Trường Nguyễn Đăng Thịnh, khiến các em một phần nào đó hiểu hơn về môn văn, trở nên tò mò, thích thú hơn với bộ môn này.
Nhà trường cũng phối hợp với Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức chương trình lưu động sách vào hai ngày 25 - 26/4, bao gồm đọc sách, chơi trò chơi, thi bình sách, kể chuyện, vẽ tranh về sách với mong muốn tạo ra một luồng sinh khí mới, phương châm "sách đi tìm người", kết thúc với điểm nhấn là hoạt động Hội thi “Kể chuyện, vẽ tranh về sách” mà ở đó mỗi câu chuyện sách đều là một bài học sâu sắc cho học sinh về truyền thống yêu nước, biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước; tình cảm sâu nặng, kính trọng Bác Hồ, tình cảm của mỗi người con xứ Huế luôn tự hào về truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc, tính cách tốt đẹp của đất và người xứ Huế; bồi dưỡng kỹ năng sống, thể hiện của mỗi bản thân học sinh trước tập thể và môi trường rộng lớn quanh em;…
Bà Mai Chi - Trưởng phòng Công tác bạn đọc của Thư viện Tổng hợp tỉnh, người sát cánh cùng nhà trường trong hai ngày này thể hiện sự bất ngờ trước những hoạt động hưởng ứng thiết thực, hiệu quả của một đơn vị trường học vùng ven khó khăn. Cách làm của nhà trường đã thu hút sự quan tâm, sự đồng hành của nhiều đối tác, từ đó nhận được sự ủng hộ của cộng đồng đối với niềm đam mê sách của thầy, cô giáo và các em học sinh ở đây.