1. Ngay sau khi Hiệp định Genève ký kết, trước âm mưu xâm lược của Mỹ và chính sách đàn áp, khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam lên đến đỉnh cao, đặt các lực lượng cách mạng miền Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước sự lựa chọn khắc nghiệt. Để kịp thời đối phó với tình hình và lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống Mỹ - Diệm, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã triệu tập Hội nghị lần thứ 15 để bàn phương hướng cách mạng miền Nam.

 Các chiến sĩ của Trung đoàn 70 - đơn vị đầu tiên của bộ đội Trường Sơn - thồ hàng trên tuyến Tây Trường Sơn tháng 9/1961. Ảnh: Tư liệu

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (lần 1 họp vào giữa tháng 1/1959), xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là vừa đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để tiêu diệt sinh lực địch, cùng nhiệm vụ chiến lược: Tập trung giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc… Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (khóa II) đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng cho cách mạng ở cả hai miền, đặc biệt thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cho cách mạng miền Nam, phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của cán bộ, Nhân dân miền Nam, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau hội nghị Trung ương 15 (họp lần 2 vào đầu tháng 5/1959), Tổng Quân ủy Trung ương khẩn trương họp bàn việc xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam, chuẩn bị tìm cách đưa một bộ phận quân đội cùng với vũ khí, đạn dược, vật tư... vào chi viện cho chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn, tránh sự kiểm soát, phát hiện của địch. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, ngày 19/5/1959, Tổng quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập “Đoàn quân sự đặc biệt” (hay còn gọi  Đoàn 559) do Đại tá Võ Bẩm chỉ huy, có nhiệm vụ mở xuyên đường Trường Sơn vào Nam, nhằm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, vận chuyển vật chất và binh lực từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Và cũng chính từ đây, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành, là mạch máu giao thông quan trọng, góp phần quyết định vào sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

2. Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn là những lối mòn, với phương châm “xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà xoi, không được trùng với các lối mòn cũ” và tuyệt đối không được để lại đấu vết theo nguyên tắc “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, nhằm tuyệt đối giữ bí mật cho con đường có ý nghĩa sống còn với sự nghiệp giải phóng miền Nam. Phương tiện vận chuyển ban đầu là hoàn toàn đi bộ, mang vác trên vai, gùi cõng thô sơ.

Sau một thời gian quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, dưới sự lãnh đạo trực tiếp từ Tư lệnh – Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, con đường trở thành tuyến vận tải cơ giới ngày một nối dài, vươn xa với quy mô trải dài cả Đông đến Tây Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc.

Đến giữa thập niên 60, khi Mỹ trực tiếp đổ quân tham chiến vào Việt Nam thì việc đánh phá, ngăn chặn đường Trường Sơn được thực hiện bằng nhiều phương pháp hoàn toàn mới, với nhiều vũ khí và phương tiện mà trên thế giới chưa từng biết tới. Hầu như tất cả nền khoa học quân sự Mỹ đều tập trung nghiên cứu biện pháp để quyết thắng trong cuộc đọ sức này, gồm: Không quân, thám báo tự động, khai quang bằng chất độc hóa học, hàng rào điện tử, đổ quân đánh phá và đóng chốt trên các tuyến đường, trong đó nổi bật Chiến dịch Lam Sơn 719 (2/1971)…

Nói đến Trường Sơn là nói đến sự hy sinh, gian khổ, đồng thời cũng là nói đến  khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” của con người Việt Nam. Bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những khó khăn, trở ngại của thời tiết, địa hình, mưa bom bão đạn trong suốt 16 năm (1959-1975). Từ  sau năm 1964, đường Trường Sơn như một trận đồ “bát quái” vươn ra các chiến trường bằng nhiều ngả. Các đơn vị bộ đội và thanh niên xung phong trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, dũng cảm, kiên cường chống trả cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Chúng đã ném xuống đây hơn 3,5 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn số lượng bom đạn Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Thế giới  thứ hai, đã làm cho hơn 2 vạn chiến sĩ miền Bắc ngã xuống và khoảng gần 2 vạn người bị tàn phế.

Bằng vũ khí thô sơ và lòng quả cảm, quân ta đã bắn rơi hơn 2.000 máy bay các loại. Trong lúc đó, địch đã mở 5 chiến dịch tấn công binh chủng hợp thành gồm nhiều thứ quân, cùng hàng ngàn biệt kích, thám báo để đánh phá ta... Song với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân luôn hướng về miền Nam ruột thịt, ta đã lần lượt đánh tan các chiến dịch lớn, nhỏ của địch, tiêu diệt và bắt sống trên 18.000 tên. Đồng thời, quân ta cùng với quân dân nước bạn Lào đã giải phóng đất đai, xây dựng cơ sở cách mạng ở sáu tỉnh Trung - Hạ Lào. Với trí và lực của hàng triệu khối óc, con tim, chúng ta đã xây dựng được hơn 16.700km đường bộ, hơn 500km đường sông và 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350km đường dây hữu tuyến liên lạc và thiết bị tiếp sức, tổ chức hành quân đi bộ và cơ động bằng cơ giới được hơn 2 triệu quân vào chiến trường, vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam được hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược và lương thực...

Với sự dũng cảm và chiến công huyền thoại từ Trường Sơn, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam – Bắc; là con đường đoàn kết các dân tộc của 3 nước Đông Dương…”. Và, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết: “Đường Trường Sơn – con đường Hồ Chí Minh, là một công trình vĩ đại nói lên ý chí và nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn…”. 

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG