Thừa Thiên Huế được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước |
Tận dụng cơ chế
Năm 2022, Nghị quyết số 38 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức có hiệu lực. Các chính sách liên quan đến công tác quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước đã góp phần quan trọng tạo nên cú hích trong đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội.
Theo nghị quyết này, Thừa Thiên Huế sẽ được nâng hạn mức dư nợ vay từ 20% số thu ngân sách được hưởng lên 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Ngân sách tỉnh được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Đồng thời, hằng năm, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với dự toán giao để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.
Thừa Thiên Huế cũng sẽ được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Đây là nguồn lực quan trọng để Thừa Thiên Huế đầu tư cho các lĩnh vực trọng điểm.
Cơ chế đặc thù tạo động lực cho Thừa Thiên Huế đầu tư hạ tầng |
Ngoài ra, Nghị quyết số 38 cũng cho phép Thừa Thiên Huế bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách Nhà nước; thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn.
Để tận dụng các chính sách này, HĐND tỉnh đã cũng ban hành nghị quyết về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây nhằm khuyến khích, tăng cường hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tỉnh cũng đã thành lập và xây dựng quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế... để huy động nguồn lực trong bảo tồn di sản. Đồng thời, các hoạt động khôi phục, quảng bá, phát triển du lịch cũng được đẩy mạnh nhằm tăng nguồn thu từ du lịch nói chung và hoạt động tham quan nói riêng.
Động lực thúc đẩy đầu tư hạ tầng
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, cơ chế đặc thù này đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo nguồn lực cho Thừa Thiên Huế đầu tư hạ tầng.
Như đã nói ở trên, ngay khi nghị quyết này có hiệu lực, tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp phục vụ các mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Đến nay, Quỹ đã tiếp nhận hơn 7,5 tỷ đồng. Hiện, Quỹ này đã được sử dụng trùng tu công trình lăng mộ bà Từ Dũ. Liên quan đến cơ chế phí tham quan di tích, năm 2023, HĐND tỉnh đã giao dự toán thu phí tham quan di tích nộp ngân sách Nhà nước 110 tỷ đồng và giao dự toán chi đầu tư tương ứng để thực hiện các dự án đầu tư trùng tu di tích.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc nâng mức dư nợ vay tăng lên 40% đưa dư nợ vay của địa phương lên 3.500 tỷ đồng trong 2 năm 2022, 2023 tương ứng tăng 1.700 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ODA đang triển khai và thực hiện thêm một số dự án vay mới nhằm có thêm nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tỉnh lên thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, thực hiện chính sách tăng định mức chi thường xuyên, dự toán chi thường xuyên năm 2022 của tỉnh đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao tăng 45% số chi tính theo định mức dân số, tương đương khoảng 350 tỷ đồng so với năm 2021. Dự toán chi thường xuyên năm 2023 cũng được giao 7.736 tỷ đồng, tăng 359 tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Phần tăng thêm này được ưu tiên tăng kinh phí sự nghiệp cho những lĩnh vực quan trọng như: kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành giáo dục; kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông, thủy lợi, cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, bảo tồn di sản; ưu tiên đối với vùng miền núi, vùng cao, vùng có tình hình an ninh trật tự phức tạp và kiến thiết đô thị.
Ngoài ra, chính sách để lại phần tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng bổ sung thêm khoảng 5 tỷ đồng cho địa phương trong năm 2023. Con số này tuy không lớn, nhưng nếu xét trong dài hơi khi tỉnh đang triển khai thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây thì dự kiến nguồn tăng thuế xuất, nhập khẩu giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh sẽ đạt 200 tỷ đồng. Tương đương, tỉnh sẽ được hưởng 140 tỷ đồng từ cơ chế này. Chưa nói, cơ chế đặc thù này còn góp phần tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây tạo nên thế và lực trong kêu gọi đầu tư.
Riêng chính sách về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý tại tỉnh chưa phát sinh nguồn thu. Thời gian tới, căn cứ số thu bán tài sản công gắn liền với đất của các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn phát sinh, tỉnh sẽ thực hiện đúng quy định của nghị quyết.
Theo đánh giá từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ chế, chính sách đặc thù này đã và đang được phát huy để hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh lên thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.