Cau xanh mướt vườn nhà 

Qua kết nối của bạn, vợ chồng tôi về thăm vườn cau của một gia đình ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy. Ông chủ nhà đẹp lão, ban đầu ra giá 10.000 đồng cho mỗi gốc cau cao hơn 1m, nhưng sau một hồi trò chuyện thì đổi ý. Ông cho chúng tôi chọn lựa thoải mái lứa cau con trong vườn nhà, thích cây nào chọn cây đó và lấy bao nhiêu tùy thích. “Tui tưởng mua về buôn, chơ để trồng vườn nhà thì tui không bán mô. Cau tra rụng xuống lên đầy đó, o chú cứ chọn mà chở về. O chú trẻ rứa mà thích trồng cau, trồng được chừng mô tui tặng chừng đó”, ông vui vẻ và hào sảng. Không những thế, khi thấy chúng tôi loay hoay với những gốc cau non, ông còn kêu cả đứa cháu ra phụ để chắc chắn rằng cau vẫn đủ khả năng sống tốt khi về nơi ở mới.

Trân quý món quà của ông, chúng tôi trồng đều chục gốc cau dọc theo tường nhà phía tây và trước mặt nhà. “Đón bạn mới”, chị hàng xóm đùa: “Nhà em 2 đứa con trai thì lo cau sau này còn cưới vợ cho con, chứ nhà chị toàn con gái, không cần mô”. Nhưng chỉ hơn hai năm sau, nhìn hàng cau mướt mắt vươn xanh, chị đã đổi ý và cũng bắt đầu hỏi mua cau về trồng. Chị tinh ý nhận ra, nhìn vào ngôi nhà có hàng cau, cảm giác như những góc cứng của bê tông, công trình hay nơi nào đó bộn bề trong vườn nhà… đều bị làm cho mờ nhòa đi, thay vào đó là ăm ắp cảm giác dễ chịu và thiện cảm. Rồi chị bảo, chắc đó là phong thủy nhẹ nhàng cho nhà mình nên phải chịu khó kết tạo và vun đắp.

Với người Việt, trầu cau đã quá quen thuộc với đời sống của người dân bao đời. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” – trầu cau không chỉ khơi mở sự gần gũi giữa mọi người mà còn là vật phẩm thiện lành để mở đầu sự kết duyên cho mỗi cặp vợ chồng, hay dâng cúng mỗi kỳ kỵ giỗ, lễ tết, đám hiếu, hỉ. Ngay cả trong kinh nghiệm bố trí cây cối cho vườn nhà, ông bà cũng dạy “Cây cau trước ngõ, bụi chuối sau nhà”. Sau này, qua nhiều tài liệu, tôi đọc thấy các “nhà phong thủy” giải thích rằng, sở dĩ ông bà đúc kết kinh nghiệm “chuối sau, cau trước” là vì cây cau cao lớn, vươn lên trời, có khả năng đón bắt luồng thiên khí (điện tích vũ trụ) rất tốt. Do vậy, khi được trồng trước ngõ, cau sẽ giúp không khí lưu chuyển tốt, mang theo luồng dương khí mạnh mẽ cho ngôi nhà.

Tôi thì không thể nghĩ nhiều được như thế, nhưng cảm nhận rằng không gian quanh mình sẽ dịu dàng và gần gũi biết bao khi sân vườn xanh mướt những gốc cau. Những gốc cau không chỉ cho mình khung cảnh đẹp, bình yên mà còn gợi nhiều sự kết nối yêu thương với ông bà, cha mẹ và những tháng ngày êm đềm thơ bé. Nơi đó, có hình ảnh của một bé gái suốt ngày theo chân chú út để được chơi trò “cảm giác mạnh” là ngồi trên mo cau, nắm chặt tàu lá, chú đếm 1, 2, 3 thì kéo ào ào về chân dốc cổng; là những ngày theo bà nội đi lượm mo cau để xếp quạt, xếp mo ủ cơm, cất đậu; là những đêm hè nóng nực, được bà nội ru ngủ bằng quạt mo cau mà cứ thầm ước tay bà không bao giờ mỏi… Hay, cũng có thể tối đã không dứt được câu chuyện của cha mình, khi cha đã rất cố gắng để cứu 2 gốc cau bên bờ rào đang chết dần, chỉ vì “để ông bà nội đỡ buồn”. Cha nói, cha mẹ đã trồng và giữ hai gốc cau đấy từ thời mua được miếng đất nhỏ ven quốc lộ để làm nhà. Có hai cây cau ấy, ông bà nội từ quê vào thăm và ở lại nhiều ngày cũng sẽ không quá buồn chán, vì cau vừa cho trái để bà ăn trầu, vừa để ông không thấy quá xa với những hàng cau thẳng tắp nơi góc sân quê nhà.

Nghĩ vậy mà thương!

Đồng Văn