Sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng có hiệu quả vào cuộc sống |
Đến dự có ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Hoàng Khánh Hùng, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương.
Cùng hợp tác và hỗ trợ
Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển tiềm lực KH&CN, đẩy mạnh nghiên cứu - thử nghiệm, phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… Quy chế quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ; quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, đề án Phát triển hệ sinh thái Cố đô khởi nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ... được ban hành đã khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại tọa đàm và hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng cho rằng, đứng trước những thời cơ và thách thức mới, đặc biệt là nhu cầu ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, sứ mệnh của ngành KH&CN phải luôn đồng hành cùng với các ngành kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội, là nền tảng của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh.
Theo ông Hồ Thắng, quan điểm phát triển ngành KH&CN trong thời gian tới trước hết phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN gắn với các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, các nhiệm vụ KH&CN phải gắn với nhu cầu của các ngành, lĩnh vực.
Lãnh đạo Bộ KH&CN đánh giá cao và ghi nhận những thành quả, đóng góp của ngành KH&CN tỉnh nhân Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam |
Phát triển KH&CN phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động ứng dụng KH&CN sang khu vực doanh nghiệp. Ứng dụng KH&CN phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chuỗi giá trị, gắn với phát huy giá trị tài sản trí tuệ và thúc đẩy thị trường KH&CN. Thông qua hoạt động quản lý nhà nước, chính quyền tạo ra nền tảng, cơ chế cho việc ứng dụng KH&CN, doanh nghiệp và tổ chức KH&CN đóng vai trò chủ đạo và quyết định trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nhiều thành tựu KHCN và đổi mới sáng tạo nổi bật của tỉnh cũng được thông tin, giới thiệu tại buổi tọa đàm. Qua đó nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh trong tương lai.
Cần thêm những đột phá mới
Bước sang giai đoạn phát triển mới và để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, trung tâm KH&CN của cả nước trước năm 2030, ngành KH&CN tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN, phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN, hợp tác mạnh mẽ với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường. Chủ động kết nối, hợp tác chiến lược với các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu, các bộ ngành Trung ương, tập trung bám sát các trụ cột trong hệ thống các giải pháp nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo PII, phấn đấu thuộc top 10 địa phương của cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá, ngành KH&CN của tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương đã nhận diện được vai trò quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo trong thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội cũng như chương trình hành động của tỉnh về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN. Nhiều dự án về KHCN được đề xuất thực hiện đóng góp to lớn cho phát triển nhiều ngành, lĩnh vực.
Ông Trần Hồng Thái mong muốn thời gian tới, chính quyền địa phương và ngành KHCN cần cùng nhau tháo gỡ, hoàn thiện các thể chế chính sách của ngành KHCN; đầu tư nguồn lực cho KHCN; hình thành, thúc đẩy thêm nhiều cơ sở, doanh nghiệp để phát triển mạnh thiết chế KHCN; đổi mới hướng nghiên cứu khoa học, sáng tạo theo hướng công nghệ xanh, kinh tế xanh, đa dạng sinh học...
Nhấn nút khai trương vận hành Cổng Thông tin điện tử ngành khoa học và công nghệ tỉnh |
Hội thảo còn ghi nhận những tham luận, ý kiến, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp của các nhà khoa học, nhà quản lý về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho xã hội, đồng thời nâng cao vị thế của ngành KH&CN trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, có các nội dung tham luận như: đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vi mạch bán dẫn trong phát triển công nghiệp ở Thừa Thiên Huế; ứng dụng KH&CN trong phát triển sản phẩm chủ lực, OCOP ở Thừa Thiên Huế; vị thế của đội ngũ trí thức KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Dịp này, Sở KH&CN công bố và khai trương Cổng Thông tin điện tử ngành KH&CN và Cơ sở dữ liệu KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế; trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN và Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp KH&CN" của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho những nhà khoa học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, tổ chức ra mắt Ban Liên lạc Cựu cán bộ Công chức, viên chức ngành KH&CN.