Đến giữa tháng 5, các khối lớp học ở trường trung học cơ sở con tôi đều đã kết thúc xong các môn thi cuối học kỳ 2. Nhiều môn học ở các khối lớp gần như đã có điểm tổng kết trung bình năm các môn. Biết điểm, có bạn vui mừng, nhưng cũng lắm bạn tiếc nuối. Quan điểm của tôi đó là điều hiển nhiên trong trường học, thậm chí ngoài "trường đời", ngoài xã hội. Vì ở môi trường nào cũng có người tài, người yếu, có người nhanh, người chậm và cũng có người có thế mạnh này, sở đoản khác... Thế nhưng, với các em học sinh, dù ở độ tuổi chưa đủ khôn, khi có một môn hay hai, ba môn học bị điểm thấp, làm ảnh hưởng đến danh hiệu học tập, các em lại tìm cách xin giáo viên nâng điểm, nâng phẩy.

Hôm dự buổi họp phụ huynh đầu học kỳ 2 để nghe đánh giá tình hình hoạt động, dạy và học của nhà trường, của lớp, cô giáo chủ nhiệm cũng có nhắc đến một vài trường hợp "xin điểm". Có em không chỉ xin nâng điểm một môn mà còn xin đến vài môn. Những tưởng việc làm này sẽ được nhà trường, các giáo viên chấn chỉnh, làm gắt để không tái diễn. Thế nhưng, cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm buộc lòng phải gửi đến một tin nhắn nhắn nhủ chung nhờ phụ huynh học sinh quan tâm đến việc con em đang xin điểm một số môn học gây phiền hà cho giáo viên bộ môn.

Hồi còn là sinh viên đại học, tôi từng nghe mách nhỏ chuyện bạn M. đến tận nhà thầy nịnh nọt xin thầy chấm "nương tay" để có được con 8, con 9. Rồi bạn H. mang quà đến nhà tặng con cô, chở con cô đi ăn, đi mua sắm để được cô ưu ái, để được tổng phẩy cao, có được học bổng... Nhưng tôi không tin và cự cãi "làm người ai lại làm thế!".

Sau này ra trường đi làm, thi thoảng tôi lại nghe kể có những trường hợp con học đại học ở ĐN., trước mỗi mùa thi, ba mẹ sinh viên này lại "xách quà" đến từng nhà giáo viên các bộ môn để chạy chọt điểm trước cho con mình. Kiên trì "đi cửa sau" suốt các kỳ thi học phần, mục đích của phụ huynh rất rõ ràng đó là muốn con mình ra trường phải có được tấm "bằng đỏ" (bằng đạt loại giỏi, xuất sắc). Một định hướng chiến lược được lên kế hoạch kỹ lưỡng cho việc xin cho con mình vào được đơn vị A, cơ quan B, tập đoàn C... khi mà những đơn vị tuyển dụng đòi hỏi chỉ cần "bằng đỏ" là họ sẵn sàng trải thảm đón nhận.

Với tính chất công việc, các vị trí việc làm ngày càng đòi hỏi phải có năng lực thực sự, biết chuyên môn, rành tay nghề và đam mê, thì dù ở cấp học nào, trường lớp nào, vấn đề "xin điểm", "chạy điểm" cần phải chấm dứt ngay. Bởi khi ra đời, đi làm, những người đạt bằng giỏi với đúng thực lực của mình hay những người chưa đạt bằng giỏi nhưng biết phấn đấu, say mê với nghề sẽ dễ thích nghi và làm tốt công việc hơn. Nhưng với những bạn có bằng đỏ "dỏm" thì chắc chắn sẽ khó đảm đương, khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hệ lụy có khi sẽ khiến các bạn nản chí, nản lòng trước những vấp ngã dù lớn hay bé, thậm chí có bạn bị sốc mạnh mà có khi khó đứng dậy được. Tôi vẫn luôn tâm đắc câu ngạn ngữ: "Lòng trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ".

Kết quả học tập chưa phải là "thang điểm" đánh giá được tất cả, nên chỉ cần các em trung thực thì đây sẽ là "chìa khóa mở cánh cửa cho sự tiến bộ và phát triển".

HOÀI NGUYÊN