Tuyến đường không có cây mắt mèo ở Quảng Điền |
Nâng cao thu nhập
Theo lãnh đạo các địa phương thì việc thay đổi xã NTM kiểu mẫu là xã đạt chuẩn NTM nâng cao là hoàn toàn hợp lý. Đây cũng là điều kiện thuận lợi, “gỡ rối” cho các địa phương trong thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nhiều địa phương đang xây dựng mục tiêu này.
Yêu cầu các tiêu chí của xã NTM nâng cao theo quy định mới cơ bản phù hợp với xu hướng xây dựng diện mạo nông thôn hiện đại, văn minh. Mục tiêu cuối cùng của NTM nâng cao, kiểu mẫu đều hướng đến nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn.
Các địa phương đang tập trung bám quy định mới để xây dựng xã NTM nâng cao (kiểu mẫu), đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mục tiêu đề ra. Chẳng hạn như tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) đã hình thành vùng sản xuất rau má an toàn VietGAP, hữu cơ, tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa tập trung, chủ lực. Nguồn sản phẩm tạo ra được chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các hợp tác xã trên địa bàn Quảng Thọ đã tổ chức liên kết với người dân, các doanh nghiệp, đại lý, siêu thị để thu mua và chế biến trà rau má, rau má sấy khô, bột rau má matcha, liên kết trồng lúa hữu cơ, cánh đồng lớn… Mỗi ha rau má có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Các sản phẩm của các hợp tác xã có mặt gần như hầu khắp thị trường trên cả nước. Từ đó, thu nhập của cán bộ hợp tác xã ổn định, tạo điều kiện để gắn bó với mô hình kinh tế được xác định có vai trò quan trọng trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.
Làm thế nào để tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân là điều mà hầu hết lãnh đạo các địa phương xây dựng NTM nâng cao luôn trăn trở. Mỗi địa phương đang nỗ lực khai thác tốt tiềm năng, lợi thế riêng của mỗi vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế của địa phương đó. Trong phát triển sản xuất, kinh tế địa phương kể cả đồng bằng và miền núi đều luôn phải đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi phù hợp, đưa các đối tượng mới, có giá trị kinh tế vào sản xuất để tăng thu nhập cho hộ dân.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế
Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền), ông Nguyễn Hữu Truyền cho rằng, địa phương khá đa dạng về tiềm năng, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Mỗi vùng có đặc điểm, lợi thế riêng, như vùng ven biển không chỉ có lợi thế về khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản vùng lộng mà còn có thế mạnh về phát triển dịch vụ, du lịch biển. Lợi thế này đang được địa phương, Nhân dân tổ chức khai thác bước đầu mang lại hiệu quả.
Tại vùng đầm phá ở Quảng Công cũng như nhiều địa phương ở Quảng Điền có lợi thế về nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Các địa phương đang đưa nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế vào nuôi mang lại hiệu quả như tôm sú, tôm chân trắng, cua, cá kình, dìa, nâu, mú… Trước xu thế ứng phó với biến đổi khí hậu, ngoài đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi, địa phương còn tổ chức nuôi xen ghép đã cho thấy có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Ông Lê Thành Nam, Phó Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh đánh giá, tận dụng lợi về giao thông thuận lợi, người dân Quảng Công nói riêng và Quảng Điền nói chung đang tổ chức các hoạt động đa dạng kinh doanh dịch vụ như quán ăn uống, vật liệu xây dựng, kinh doanh xăng dầu, hàng tạp hóa, nông sản an toàn… Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của nhiều địa phương đang cho thấy hướng đi hợp lý khi đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo của địa phương đang từng ngày “thay da đổi thịt”.
Các xã vùng đầm phá, ven biển đến vùng gò đồi, miền núi đã đạt chuẩn NTM đang phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với thu nhập tại thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu xóa hết hộ nghèo, hướng đến mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.
Hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, các địa phương đang triển khai có hiệu quả việc huy động cán bộ, Nhân dân vào cuộc ra quân thu gom rác thải, xử lý môi trường trên từng khu phố, tuyến đường làng, ngõ xóm. Từ đó, hình thành các mô hình bảo vệ môi trường như hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ, đội, nhóm tham gia thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và các khu vực công cộng. Các câu lạc bộ, đội tuyên truyền về bảo vệ môi trường hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng. Người dân giờ đây không chỉ nâng cao ý thức thu gom rác thải mà còn không xả rác thải ra đường, khu vực công cộng. Nhiều địa phương còn trồng cây, hoa ven đường, đặc biệt hình thành các “tuyến đường mai vàng”.